Trước năm 1975, không người mê cải lương nào mà không biết đến đoàn cải lương Kim Chung và nữ nghệ sĩ Kim Chung.
Theo bài viết của nhà văn Hồ Trường An, nữ nghệ sĩ Kim Chung được xem là con chim đầu đàn của các đoàn cải lương Kim Chung trước năm 1975, được mệnh danh là đệ nhất danh ca Bắc Hà. Bà được khán thính giả từ Nam chí Bắc biết đến qua hai ca khúc tân nhạc Đoàn Lữ Nhạc của Đỗ Nhuận và Chiều Vàng của Nguyễn Văn Khánh. Sau đó Kim Chung có hát chung với nhạc sĩ Lê Thương bài Học Sinh Hành Khúc và đơn ca bài Lòng Mẹ Việt Nam cũng của Lê Thương được thu vào dĩa nhựa Asia.
Nghệ sĩ Kim Chung được người ta gọi bằng cái mỹ danh “tiếng chuông vàng thủ đô”, thật là xứng đáng. Tiếng hát của bà trong như chuông, tuy vang lộng, dịu ngọt mà ôn nhu, ngập tràn cái âm sắc nữ tính kiều mỵ.
Nghe kể lại rằng hồi xưa Kim Chung cộng tác với gánh hát Tố Như, chỉ chuyên đóng vai chánh mặc dầu sân khấu Tố Như có một dàn đào hùng hậu như Bích Thuận, Khánh Hợi, Tường Vi, Lữ Nhàn, Túy Hoa. Bà luôn luôn đóng vai chánh, mà toàn những vai sắc nước hương trời, như vai mỹ nhân trong “Tam Hoàng Tử Tranh Hùng”, vai Điêu Thuyền trong “Phụng Nghi Đình”, vai Tây Thi trong “Phạm Lãi Tây Thi”, vai Thôi Oanh Oanh trong “Tây Sương Ký”, vai Vương Thúy Kiều trong “Kim Vân Kiều”, vai Mạnh Lệ Quân trong “Tái Sanh Duyên”…
Khi xem xong “Kim Vân Kiều”, bác sĩ y khoa kiêm học giả Đàm Quang Thiện hạ bút hai câu thơ bất hủ:
Nguyễn Du để lại bút thần
Kim Chung làm sống trên trần Kiều Nương
Nghệ sĩ Kim Chung có một khuôn mặt bầu bĩnh, hàm răng tuy hơi vẩu nhung rất duyên dáng đậm đà, bà đóng những vai mỹ nhân rất xứng. Vóc mình bà đẹp, tay chân xinh xắn, dáng dấp phong lưu. Kim Chung đẹp thật chỉ có năm, sáu nhưng bà có cử chỉ dáng điệu phong lưu, đài các làm khán giả có cái ảo tưởng bà xinh đẹp tới chín, mười. Trong vở tuồng “Thiên Nga Công Chúa” phỏng theo một phim do Grace Kelly thủ vai công chúa. Kim Chung, trong vai công chúa, mặc áo đầm rất đẹp, hở vai, rồi khoác áo lông chồn theo kiểu hoàng hậu công chúa Tây Phương. Vóc mình, cổ, ức, cánh tay đẹp mịn màng óng chuốt, còn dáng đi, cách phe phẩy quạt của cô rất quý phái…
Đoàn cải lương mang tên Kim Chung được thành lập ở ngoài Bắc từ những năm cuối thập niên 1940, là đoàn hát lớn nhất toàn miền Bắc, với chủ nhân là ông Trần Viết Long, một công tử con nhà giàu ở Hà Nội. Ông Long từng đi du học Châu Âu, nhưng khi về nước đã không làm cho cơ quan nào, mà đi… làm cải lương.
Vì quá say mê tiếng hát của nghệ sĩ cải lương Kim Chung nổi tiếng khắp đất Bắc, ông Trần Viết Long đã bất chấp sự ngăn cấm của gia đình kết hôn với người phụ nữ này và thành lập đoàn cải lương mang tên vợ của mình. Ít người biết rằng trước năm 1954, ở đất Bắc không chỉ có 1 đoàn, mà ông Trần Viết Long sở hữu đến 2 đoàn cải lương mang tên Kim Chung, một đoàn đóng đô ở Hà Nội, một đoàn ở Hải Phòng
Ngoài khả năng kinh doanh, có biệt tài về tổ chức và điều khiển sân khấu ca kịch, chèo lái 2 đoàn cải lương gặt hái được những thành công lớn, ông Trần Viết Long còn say mê điện ảnh. Năm 1952, ông chủ đoàn Kim Chung đã sản xuất phim nhựa Kiếp Hoa do chính ông viết kịch bản (với bút danh Trần Lang).
Thời điểm đó, Việt Nam chưa từng sản xuất cuốn phim có âm thanh nào, và việc một ông bầu cải lương bỏ tiền làm phim thực sự là một cuộc phiêu lưu, vì kết quả nhận được có phần mông lung, không ai nhìn thấy trước được.
Tuy nhiên, ông Trần Viết Long hội tụ đủ những điều kiện để trở thành một nhà sản xuất phim thời đó.
Đầu tiên, ông đã có được một số vốn lớn nhờ đã củng cố được hai đoàn Kim Chung Hà Nội và Hải Phòng, có cơ sở vững chắc sau 4 năm hoạt động, trình diễn.
Lý do thứ hai thúc đẩy ông làm phim vì ông vốn say mê ngành điện ảnh từ khi còn là sinh viên bên Pháp. Từ thời đó ông đã chú ý học hỏi nhiều qua sách vở, rồi khi quản lý hai đoàn hát trong nhiều năm, ông có thêm kinh nghiệm điều khiển sân khấu trong những năm. Ngoài ra nhờ có năng khiếu đặc biệt về kinh doanh nên ông có thể phác thảo được một cách chi tiết những con số thu chi khi sản xuất phim, dù đây là công việc ông chưa từng làm.
Động lực thứ 3 của ông chủ Kim Chung là ông đã có trong tay một số đông nghệ sĩ thành thạo với sân khấu, những kinh nghiệm đó giúp ích rất nhiều khi chuyển qua điện ảnh.
Kiếp Hoa trở thành phim có âm thanh đầu tiên của người Việt thực hiện, với sự giúp đỡ của những kỹ thuật viên Hongkong. Toàn bộ phần ngoại cảnh được quay ở Hà Nội, nhưng thời điểm đó ở Việt Nam chưa có Studio để quay nội cảnh, nên toàn bộ cảnh phim trong Studio đều được thực hiện trong 12 ngày ở Hongkong, sau đó mất thêm 2 tháng làm hậu kỳ ở xứ Cảng Thơm này trước khi mang về chiếu ở Hà Nội, trước phim Bến Cũ được thực hiện trong cùng thời gian (hậu kỳ được làm ở Pháp).
Sau đây là một cảnh quay của phim Kiếp Hoa được thực hiện ở Hongkong:
Cảnh phim là 2 diễn viên Kim Chung và Kim Xuân (mẹ của diễn viên Như Quỳnh hiện nay)
Với phim Kiếp Hoa, ông Trần Viết Long tận dụng tối đa nguồn nhân lực, vật lực của đoàn cải lương Kim Chung. Trong bộ phim đầu tay của mình, ông dành vai chính cho vợ (Kim Chung) và em dâu (Kim Xuân), hai ngôi sao cải lương thời đó.
Phim Kiếp Hoa đã trở thành một huyền thoại trong ký ức của những người Hà Nội năm 1953. Trước ngày ra rạp, ông chủ Kim Chung đã thuê một chiếc máy bay dân dụng thả các tờ quảng cáo xuống khu vực Bờ Hồ.
Để cho bộ phim thêm phần hấp dẫn, trang trọng và gây ấn tượng với công chúng trong buổi chiếu ra mắt, toàn bộ êkíp điều hành, bầu sô, đạo diễn… còn tổ chức một cuộc thi sáng tác bài hát làm nền cho phim với giải thưởng lớn. Cuối cùng bài hát Làng Tôi của nhạc sĩ Chung Quân (khi đó mới 16 tuổi) đã được chọn: “làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh…”
Phim Kiếp Hoa, dù chưa mang lại sự thỏa mãn cho giới hâm mộ điện ảnh nhưng nó cũng chứng tỏ sự cố gắng phi thường, mở đầu cho nền điện ảnh Việt Nam từ thập niên 1950. Số thu 8 triệu đồng của phim này là một yếu tố thúc đẩy việc hoạt động điện ảnh cho lớp người có vốn, có khả năng nhưng chưa đủ can đảm thực hiện từ đó trở về sau.
Một số cảnh quay của phim Kiếp Hoa được thực hiện ở Hongkong
Khi đình chiến Pháp – Việt diễn ra năm 1954, theo làn sóng đồng bào di cư, vợ chồng ông Trần Viết Long và Kim Chung đã quyết định chuyển một nửa đoàn cải lương Kim Chung vào Sài Gòn. Một nửa đoàn Kim Chung ở lại Hà Nội, do vợ chồng người em của ông Long là Tiêu Lang và Kim Xuân quán xuyến (Tiêu Lang và Kim Xuân cũng là cha mẹ của diễn viên Như Quỳnh nổi tiếng ở Hà Nội sau này). Tất cả đều hy vọng rằng chỉ vài năm sau thì hai đoàn Kim Chung ở hai miền sẽ tái hợp. Nhưng do sự chia cắt đất nước, điều đó đã không xảy ra. Buổi diễn chia tay diễn ra ở Hải Phòng trước khi một nửa đoàn đi di cư, nghệ sĩ diễn mà không có thiết bị, không phông nền, không màn nhung, vì hầu hết đều đã được gửi xuống tàu để đưa vào Nam, nghệ sĩ Kim Chung kể lại trên tờ báo Kịch Ảnh vài năm sau đó là số lượng người xem buổi diễn chia tay đó rất đông, đến như muốn “phá rạp”.
Ở lại Hà Nội, ông bà Tiêu Lang – Kim Xuân vẫn tiếp tục hành nghề tại rạp Kim Chung, lúc này đoàn do Sở Văn hóa Hà Nội quản lý về chuyên môn. Thời kỳ quân quản Thủ đô năm 1954, dân vùng tự do vào Hà Nội nghe cải lương nhiều, đoàn Kim Chung lại kiếm bộn tiền, nghệ sĩ rất phấn khởi, bảo nhau việc gì phải vào Sài Gòn cho “khổ”.
Nhưng đến năm 1955 thì cải cách ruộng đất ở nông thôn, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở thành phố được đẩy mạnh, rạp Kim Chung cũng bị đánh thuế kinh doanh nghệ thuật, không còn ai đi xem hát nữa.
“Lúc này anh em buồn lắm, có người nói biết thế đi theo ông Trần Viết Long cho sướng”, ông Tiêu Lang kể lại trên báo Tuổi Trẻ năm 2018
Nhưng rồi một năm sau Chính phủ sửa sai, mọi thứ lại dễ thở hơn. Cho tới năm 1966, đoàn Kim Chung lại lâm vào cảnh khó khăn, bị đưa vào quốc doanh thuộc Sở Văn Hóa, sau đó bị đổi thành đoàn Chuông Vàng cho hợp thời cuộc. Cái tên Kim Chung xem như bị xóa khỏi Hà Nội.
Còn nửa Đoàn Cải Lương Kim Chung do ông Long đưa vào Sài Gòn có một số phận hoàn toàn khác. Khi mới vào Sài Gòn do chưa quen đường đi nước bước nên bị chật vật. Nhưng nhờ ông bầu Long quyết đoán đã chơi trội hơn các đoàn khác. Ông thuê hẳn rạp Aristo để biểu diễn, sau đó đoàn ăn nên làm ra, nổi danh khắp Sài Gòn.
Đoàn cải lương Kim Chung không những trụ diễn lâu dài tại rạp Aristo mà còn gây kinh ngạc cho giới cải lương qua việc diễn nhiều ngày chỉ có một vở hát “Trăng Giãi Đêm Sương” được diễn liên tục trên 40 đêm. Có thể nói rằng, đây là vở cải lương được hát liên tục trên sân khấu lần đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn. Và từ đó, chuyện hát nhiều ngày một vở diễn bắt đầu được các đoàn cải lương khác áp dụng.
Ban đầu khi mới vào Nam và thuê rạp Aristo, nhiều người đã nghi ngại cho đoàn Kim Chung. Một đoàn cải lương từ miền Bắc vào, lại thuê một rạp hát dài hạn, mà rạp đó lại là rạp Aristo, nơi mà các gánh cải lương khác trong Nam không gánh nào muốn về rạp này, trừ trường hợp bị kẹt rạp. Bởi nếu như đem so sánh với những rạp hát khác ở Sài Gòn, thì rạp Aristo nằm ở địa điểm bất lợi, chỉ có một con đường phía trước rạp, không có đường chạy ngang thông ra nhiều hướng như rạp Thành Xương, và còn kém xa hơn nữa nếu so với rạp Nguyễn Văn Hảo rộng rãi, lại là địa điểm thuận lợi cho khán giả từ miền Lục Tỉnh lên đậu ghe ở bến sông Cầu Ông Lãnh, vừa mua bán, vừa đi coi hát giải trí.
Do vậy mà hiếm đoàn hát muốn về đây, trừ trường hợp các rạp khác không còn trống, thì mới thuê mướn rạp Aristo này. Rạp còn có tên là Trung Ương Hí Viện, nằm trên con đường chạy dọc theo bờ tường rào nhà ga xe lửa, mà thời Pháp có tên là Colonel Grimaux (đường Lê Lai sau này).
Thuở đầu tiên nó chỉ là một khán trường nhỏ nằm trong một nhà hàng, nhưng vào khoảng những năm thập niên 1940, do khán giả đông, chủ nhân đã xây cất, mở rộng biến thành rạp hát. Có lẽ do yếu thế, ít đoàn hát thuê mướn, nên khi được đoàn Kim Chung thuê dài hạn (hợp đồng 5 năm và trả tiền từ năm một) thì chủ rạp đồng ý ngay, dù rằng giá thuê rất rẻ. Nghe nói khoảng một phần ba giá tiền cho các gánh nếu như thuê chỉ một tuần. Ông bầu Long có suy nghĩ nếu như giá thuê rạp rẻ thì dù ít khán giả vẫn không bị lỗ, vì không tốn kém di chuyển như hầu hết các gánh.
Thế nhưng, cái may mắn của đoàn Kim Chung là khi ký hợp đồng rồi thì đêm nào khán giả cũng đông chật rạp, là điều không ai ngờ được. Tuồng có sẵn ngoài Bắc mang hát lại hằng đêm, khán giả xem đông, không phải là khán giả của Sài Gòn, mà là khán giả thuộc đồng bào di cư miền Bắc, vào đây còn nằm tại Sài Gòn chưa được biết định cư đâu cả. Họ còn tiền bạc, họ đang nhớ đến quê hương miền Bắc, chợt có gánh hát ngoài Bắc vào, đương nhiên họ ủng hộ hết mình. Giai đoạn đầu của Kim Chung kiếm tiền dễ dàng, ăn bạc là vì vậy.
Thời gian sau này, khi đoàn Kim Chung đã lớn mạnh, đông đúc, rạp Aristo nhỏ bé không còn đủ sức chứa, họ dời đô sang rạp Olympic ở số 97 Hồng Thập Tự.
Có thể nói, phần lớn tài danh sân khấu cải lương của Sài Gòn thế hệ sau này đã từng ở dưới trướng của Bầu Long. Các nghệ sĩ tên tuổi nhất từng phục vụ cho đoàn Kim Chung có thể đến là Út Trà Ôn, Hùng Cường, Tấn Tài, Út Bạch Lan, Thanh Hải, Diệu Hiền, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ, và 3 chàng Minh: Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương…
Đặc biệt, khi đã phát triển trên trên đất Sài Gòn thì sau đó ông Long còn “đem chuông đi đánh xứ người”, cho đoàn hát đi diễn tại Pháp, những nơi có đông kiều bào Việt Nam sinh sống. Qua đợt diễn này ông hốt bạc, tiếng tăm của công ty Kim Chung lừng lẫy.
Một người nổi tiếng của đoàn là Bích Hợp – “đệ nhất đào thương đất Bắc”. Cô đẹp ở ngoài đời cho đến lúc lên sân khấu. Gia nhập nhập gánh Kim Chung từ khi gánh trụ diễn ở rạp Aristo, cô thường đóng vai đào nhì nhưng ăn lương như đào chánh. Tuy nhiên đôi khi cô thay Kim Chung đóng vai đào chánh như vai Phàn Lê Huê trong ”Phàn Lê Huê phá Hồng Thủy Trận”, rồi thay thế Kim Cương đóng vai Bàng Quý Phi trong vở “Xử án Bàng Quý Phi” và thay thế Bảy Nam đóng vai Ngọc Dung Hoàng Hậu trong vở “Phấn Hậu Cung” đã làm cho công chúng và báo chí nhiệt liệt tán thưởng.
Sau khi xảy ra biến cố 1975, ông Bầu Long và Kim Chung cùng gia đình đi Pháp. Đến năm 1981 thì ông về nước mang theo dự tính xây dựng lại đoàn Kim Chung. Nhưng rồi đã không làm gì được “lực bất tòng tâm”. Hai vợ chồng ông Trần Viết Long và bà Kim Chung đều mất tại Sài Gòn.
Nguồn tham khảo: chuyenxua.vn