Ca sĩ Phương Hồng Quế là một trong những giọng hát tiêu biểu của thế hệ ca sĩ nhạc vàng sinh vào thập niên 1950, là thế hệ sau cùng của làng nhạc Sài Gòn trước năm 1975. Cô được báo chí Sài Gòn gọi danh hiệu là “Tivi chi bảo”, là ca sĩ xuất hiện nhiều nhất trên các kênh truyền hình Sài Gòn từ thập niên 1970. Tên tuổi của Phương Hồng Quế gắn liền với các ca khúc Phố Đêm, Lời Trần Tình, Đàn Không Tiếng Hát…
Ca sĩ Phương Hồng Quế tên thật là Nguyễn Thị Quế, sinh năm 1953 tại Tân Định – Sài Gòn. Nghệ danh đi hát của cô được thầy là nhạc sĩ Nguyễn Đức đặt cho, cùng với những nàng ca sĩ tên Phương khác là Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Ngọc, Phương Hồng Trinh…
Cô là người con thứ 2 trong một gia đình gồm “ngũ long công chúa” và 1 người con trai. Trong gia đình, ngoài Phương Hồng Quế theo nghệ thuật, còn có em kế là Mỹ Phương từng một thời gian là thành viên trong ban vũ Lưu Hồng, khi ban này cộng tác với chương trình ca vũ nhạc Hoàng Thi Thơ tại vũ trường Maxim’s vào đầu thập niên 70.
Phương Hồng Quế có năng khiếu ca hát từ nhỏ và thần tượng của cô chính là ca sĩ Phương Dung. Cô thường hát theo thần tượng khi nghe trên đài và được một người bạn của cha đàn mandoline để hát theo. Trong một lần có người anh là nghệ sĩ guitar tới nhà chơi, thấy cô bé Nguyễn Thị Quế mới hơn 12 tuổi hát ngêu ngao, nhận thấy được khả năng của cô nên người anh này xin cha mẹ Phương Hồng Quế cho theo học ở lớp đào tạo ca sĩ của nhạc sĩ Nguyễn Đức rất nổi tiếng thời đó.
Nhờ người anh họ giới thiệu, Phương Hồng Quế đạp xe tới lớp nhạc Nguyễn Đức tại số nhà 223/31 trong hẻm trên đường Vĩnh Viễn để xin theo học nhạc.
Tại lớp học nhạc buổi tối, Phương Hồng Quế được thầy dạy nhạc lý, luyện giọng, có khi được dợt riêng. Chỉ sau 3 tháng, cô được đưa vào hát ở Ban Việt Nhi trên đài phát thanh hàng tuần. Lúc này vì tuổi còn nhỏ nên cô chỉ hát những ca khúc thiếu nhi.
Click để nghe nhạc Phương Hồng Quế trước 1975
Đến khoảng năm 14-15 tuổi, Phương Hồng Quế được đưa vào hát ở ban Sao Băng nữ và bắt đầu chuyển dần sang hát nhạc người lớn. Lúc này cô được nhạc sĩ Nguyễn Đức cho đi hát khắp nơi để quen dần với khán giả và sân khấu, đó là đi hát ở sổ xố rạp Thống Nhất, hát ở tiền đồn và các buổi uỷ lạo chiến sĩ ở khắp nơi.
Chỉ vài năm sau đó, khi mới 16 tuổi, tên tuổi của Phương Hồng Quế đã nổi tiếng khắp miền Nam, và vinh dự được gọi danh hiệu là “Ti vi chi bảo”. Khi đó ở bên cải lương, nghệ sĩ Bạch Tuyết cũng được gọi là “cải lương chi bảo”.
Xuất phát của danh hiệu này, nguyên do là vì từ cuối thập niên 1960, hầu như chương trình nào chiếu trên TV – màn ảnh nhỏ ở miền Nam cũng đều có sự xuất hiện của Phương Hồng Quế.
Click để nghe Phương Hồng Quế song ca cùng Phương Đại bài Hoa Xuân trên đài truyền hình năm 1970. Lúc này cô mới 17 tuổi
Kể từ khi lần đầu xuất hiện trên đài số 7 với chương trình của Nha Động Viên là ca khúc Một Người Đi của nhạc sĩ Mai Châu, từ sau đó Phương Hồng Quế được mời hát trong hầu hết các chương trình ca nhạc trên truyền hình, từ đài quân sự đến dân dự, các chương trình Tiếng Thuỳ Dương của Châu Kỳ, Trường Sơn của Duy Khánh, Thời Trang Nhạc Tuyển của Đỗ Lễ đến chương trình nhạc mang tính chất nghệ thuật của Phạm Mạnh Cương.
Trong một thời gian khá dài, ca sĩ Phương Hồng Quế được coi như là nữ ca sĩ xuất hiện trên truyền hình nhiều nhất. Sự kiện này làm cho giới báo chí đã tặng cho Phương Hồng Quế danh hiệu Ti Vi Chi Bảo, tức là một cái gì đó quý giá ở trên tivi.
Cũng từ cuối thập niên 1960, Phương Hồng Quế đã gia nhập Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương và xung phong đi phục vụ nơi các tiền đồn hẻo lánh.
Sau khi rời Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương, Phương Hồng Quế gia nhập Tổng Ủy Dân Vận vào năm 1970 cho đến tháng 4 năm 75. Cũng trong thời gian này, cô được biết đến rất nhiều với nhạc phẩm Phố Đêm của nhạc sĩ Tâm Anh, một trong những nhạc phẩm đã tạo tên tuổi cho Phương Hồng Quế. Cho đến nay trong những chuyến lưu diễn khắp nơi, Phố Đêm vẫn là bài cô được khán giả yêu cầu nhiều nhất.
Thời gian từ năm 1972 đến 1975, Phương Hồng Quế hoạt động sôi nổi trong nhiều lĩnh vực như phòng trà, vũ trường và đại nhạc hội, ngoài những lần xuất hiện liên tục trên các chương trình ca nhạc truyền hình và tham gia vào những chương trình truyền thanh trên cả hai đài Quân Đội và Sài Gòn.
Đó cũng là thời kỳ mà Phương Hồng Quế ở tuổi đôi mươi đã đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp, và tiếng hát Phương Hồng Quế đã được thu thanh trên nhiều băng, dĩa nhạc của các trung tâm Nghệ Thuật, Sóng Nhạc, Asia, Dư Âm, Việt Nam,… với nhiều nhạc phẩm tình cảm liên quan đến đời quân ngũ.
Cô ca sĩ xinh đẹp đang ở tột đỉnh của thành công thì cuộc đổi đời năm 1975 diễn ra làm cho cô gần như mất tất cả. Không còn được ca hát, Phương Hồng Quế bắt đầu lao vào cuộc mưu sinh vất vả khi phải đi buôn vải ở chợ cũ, sau đó đến mở tiệm ăn ngay tại nhà, rồi lại chuyển qua bán sách, bán quần áo…
Thời gian sau đó Phương Hồng Quế được trở lại với ca hát, đi theo các đoàn hát đi trình diễn chui tại các tỉnh xa xôi. Đó là các đoàn văn nghệ của Tùng Lâm, Thanh Hoài, Duy Khánh, Ngọc Giao…
Sau đó cô được phép về Sài Gòn hát trong đoàn Duy Ngọc ở rạp Quốc Thanh, nhưng vì cái tên Phương Hồng Quế đã gắn bó quá sâu sắc đến những ca khúc nhạc lính trước 1975 nên cô lấy tên Hồng Yến để đi hát trong thời gian này.
Sau đó Phương Hồng Quế tham gia đoàn kịch nói Kim Cương, từ đó không phải đi diễn xa xôi vất vả ở tỉnh lẻ nữa.
Vào năm 1979, Phương Hồng Quế lập gia đình với bác sĩ Phạm Kỳ Nam mà cô từng gặp trong khi đi công tác ủy lạo thương bệnh binh ở Cần Thơ trước năm 1975, lúc đó ông là đại úy quân y tại Quân Y Viện Cần Thơ. Họ có với nhau 2 người con.
Nam 1985, Phương Hồng Quế cùng hai người bạn hợp tác mở một nhà hàng lấy tên là Phương Hồng trên đường Trần Hưng Đạo. Nhà hàng này nổi tiếng sang trọng, lịch sự và phục vụ tốt, đã trở thành nơi gặp gỡ của những khách hàng thượng lưu và cả Việt Kiều. Từ đó cuộc sống của gia đình Phương Hồng Quế trở nên dễ thở và khá giả hơn.
Tuy đang sống một cuộc sống sung túc, nhưng Phương Hồng Quế vẫn muốn sang Mỹ nhờ một người em bảo lãnh. Vì ấn tượng không tốt đối với cuộc sống ở nước ngoài nên chồng của cô cương quyết không đi. Vì nghĩ đến tương lai của hai con nhỏ, Phương Hồng Quế dứt khoát ra đi với 2 con, với mẹ và cô em út vào năm 1991.
Ngay khi vừa sang Mỹ, Phương Hồng Quế được trung tâm Thúy Nga mời hát trong Paris By Night 16 với ca khúc “Chiều Cuối Tuần” thu hình tại Paris.
Một năm sau, Phương Hồng Quế bắt đầu hợp tác với trung tâm Asia trong chương trình video số 1 chủ đề Đêm Sài Gòn năm 1992 với ca khúc Phố Đêm của nhạc sĩ Tâm Anh đã gắn liền tên tuổi của cô trước năm 1975.
Click để nghe Phương Hồng Quế hát Phố Đêm
Từ sau đó, Phương Hồng Quế tham gia thường xuyên với trung tâm Asia và Thuý Nga cho đến nay. Ngoài ra trong những năm gần đây, Phương Hồng Quế cùng Trang Thanh Lan thực hiện chương trình Tiếng Hát Hậu Phương được nhiều người biết đến.
Mời các bạn nghe lại những ca khúc được yêu thích nhất của Phương Hồng Quế trước và sau năm 1975. Hầu hết những bài nhạc vàng này có thể là đã nổi tiếng với những giọng ca khác, tuy nhiên Phương Hồng Quế vẫn tạo được dấu ấn riêng với từng ca khúc.
Thu âm trước 1975:
Ai Khổ Vì Ai
Sau 1975, Giao Linh cũng hát lại Ai Khổ Vì Ai rất sâu lắng và mùi mẫn, thích hợp với nội dung bài hát, tuy nhiên Phương Hồng Quế vẫn được xem là người trình bày thành công nhất bài ca thất tình nổi tiếng này của nhạc sĩ Anh Bằng (ký bút danh Thương Linh)
Click để nghe Phương Hồng Quế hát Ai Khổ Vì Ai trước 1975
Lời Trần Tình
Bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Hàn Châu, sau này rất ít người hát lại, đáng chú ý nhất là phiên bản của Sơn Tuyền. Cả 2 bản thu âm này đều xuất sắc và được khán giả yêu thích.
Click để nghe Phương Hồng Quế hát Lời Trần Tình trước 1975
Đàn Không Tiếng Hát
Bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Châu Kỳ sáng tác năm 1967, được Phương Dung thu âm đầu tiên trong dĩa nhựa Việt Nam, sang thập niên 1970 được Phương Hồng Quế hát lại trong dĩa nhựa. Phương Dung cũng là ca sĩ mà Phương Hồng Quế xem là thần tượng từ nhỏ.
Click để nghe Phương Hồng Quế hát Đàn Không Tiếng Hát trước 1975
Người Em Xứ Bưởi
Bài hát của nhạc sĩ Hoàng Phương được Phương Hồng Quế hát lần đầu trong băng Kim Đằng 1.
Click để nghe Phương Hồng Quế hát Người Em Xứ Bưởi trước 1975
Kẻ Đến Sau
Bài hát của nhạc sĩ Trương Hoàng Xuân được Phương Hồng Quế hát lần đầu trong dĩa Dư Âm, sau đó hát lại trong băng nhạc Kim Đằng 2.
Click để nghe Phương Hồng Quế hát Kẻ Đến Sau trước 1975
Thu âm sau 1975:
Phố Đêm
Bài hát của nhạc sĩ Tâm Anh đã gắn liền với tên tuổi Phương Hồng Quế cả trước và sau năm 1975. Dù Phố Đêm đã được ca sĩ Bạch Lan Hương hát lần đầu, nhưng sau đó Phương Hồng Quế nổi tiếng nhiều hơn với bài này, được phát đi phát lại nhiều lần trên làn sóng điện.
Năm 1991, ca sĩ Phương Hồng Quế sang Mỹ, 1 năm sau cô hợp tác với trung tâm Asia, và ca khúc Phố Đêm mà cô hát tại Asia 1 rất được yêu thích. Lúc đó, trong bất kỳ show diễn nào Phương Hồng Quế cũng đều nhận được yêu cầu hát Phố Đêm nhiều lần.
Click để nghe Phương Hồng Quế hát Phố Đêm trên Asia
Chiều Cuối Tuần
Trong cùng năm 1992, Phương Hồng Quế cũng hát trên Paris By Night số 16 với ca khúc Chiều Cuối Tuần của nhạc sĩ Trúc Phương và cũng rất được yêu thích.
Click để nghe Phương Hồng Quế hát Chiều Cuối Tuần
Chuyện Chúng Mình
Nhắc đến Chuyện Chúng Mình của nhạc sĩ Trúc Phương, ai cũng nhớ đến giọng hát Thanh Thúy. Tuy nhiên phiên bản Phương Hồng Quế năm 1994 trên Paris By Night cũng được yêu thích:
Click để nghe Phương Hồng Quế hát Chuyện Chúng Mình
Nỗi Buồn Châu Pha
Bài hát này đã gắn liền với tiếng hát Thái Châu, Phương Dung, hoặc sau này rất được yêu thích với giọng hát Như Quỳnh, tuy nhiên phiên bản của Phương Hồng Quế cũng rất được yêu thích. Nỗi Buồn Châu Pha nằm trong loạt bài hát viết về xứ Thượng nổi tiếng của nhạc sĩ Lê Dinh, bên cạnh Thương Về Xứ Thượng, Chiều Lên Bản Thương và Tiếng Hát Mường Luông.
Click để nghe Phương Hồng Quế hát Nỗi Buồn Châu Pha
Đan Áo Mùa Xuân
Bài nhạc xuân nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ được Phương Hồng Quế hát trên Asia Xuân cách đây tròn 10 năm:
Click để nghe Phương Hồng Quế hát Đan Áo Mùa Xuân
nhacxua.vn biên soạn