Trang chủ Chuyện nghề Sơ đồ tư duy: Khái niệm, phân loại và cách vẽ

Sơ đồ tư duy: Khái niệm, phân loại và cách vẽ

307 view

Để lên ý tưởng hoặc cần ghi nhớ một lượng lớn thông tin, sơ đồ tư duy sẽ là một giải pháp hoàn hảo. Nắm được cách vẽ sơ đồ tư duy bạn sẽ dễ dàng hệ thống hóa mọi vấn đề phức tạp. Từ đó đưa ra được các giải pháp và hướng giải quyết nhanh chóng hơn. Đây là phương pháp ghi nhớ có hệ thống, tận dụng khả năng ghi nhớ hình ảnh của não bộ. 

Cùng Thắng tìm hiểu về phương pháp này và cách vẽ sơ đồ tư duy đơn giản, sáng tạo, dễ ghi nhớ và mang lại hiệu quả cao nhất.

Khái niệm sơ đồ tư duy

Sơ đồ tư duy (Mindmap) là dạng biểu đồ các ghi chú được viết một cách ngắn gọn, logic, chặt chẽ, sử dụng các hình ảnh trực quan, từ khóa, đường nối để thể hiện các vấn đề nhỏ liên kết với nhau tạo nên chủ đề trung tâm. 

Trong học tập, cách vẽ sơ đồ tư duy được dùng để nâng cao khả năng rèn luyện trí nhớ. Trong công việc, mindmap dùng để phân tích vấn đề và đưa ra hướng giải quyết hiệu quả.

Cấu trúc của một sơ đồ tư duy thông thường bao gồm chủ đề, từ khóa hoặc ý tưởng chính ở vị trí trung tâm. Từ đó lên nội dung cho các nhánh chính, xung quanh nhánh chính lại chứa các nội dung nhỏ hơn liên kết với nhau. 

Sơ đồ tư duy cho phép người sử dụng tự do sáng tạo, phát huy trí tưởng tượng. Phương pháp này giúp chúng ta ghi nhớ nhanh hơn, tạo hứng thú trong quá trình làm việc và học tập. 

Hình 1: Cách vẽ sơ đồ tư duy đơn giản

Khi nào nên vẽ sơ đồ tư duy?

Khi bạn cần hệ thống hóa lại khối lượng lớn kiến thức hoặc cần giải quyết một vấn đề phức tạp, bạn nên vẽ sơ đồ tư duy để sắp xếp lại các khái niệm một cách đầy đủ và chi tiết. Từ đó giúp bạn nhìn rõ các vấn đề, nội dung chính cần ghi nhớ và có hướng cách giải quyết cụ thể.

Lợi ích khi sử dụng sơ đồ tư duy

  • Sơ đồ tư duy kết nối chặt chẽ các thông tin một cách hoàn hảo. Giúp người xem ghi nhớ nhanh các nội dung chi tiết xoay quanh vấn đề chính, nắm rõ các yếu tố nhỏ của từng vấn đề cụ thể. Hiện nay, phương pháp này được sử dụng thay thế kiểu ghi chú truyền thống bằng văn bản dài dòng, rườm rà.
  • Tăng khả năng ghi nhớ, xử lý thông tin nhanh chóng và khoa học. 
  • Kích thích tính sáng tạo, tư duy của não bộ bằng việc vận dụng suy nghĩ, trí tưởng tượng của khối óc thay thế một lượng lớn văn bản bằng việc sử dụng màu sắc, hình ảnh linh động.
  • Nâng cao hiệu quả năng suất công việc. 
  • Giúp học sinh tiếp thu bài học nhanh, nắm chắc kiến thức, tăng khả năng phân tích, mang lại hiệu quả cao trong học tập.
  • Vẽ sơ đồ tư duy giúp truyền đạt thông tin dễ dàng và dễ hiểu. Lên kế hoạch ý tưởng một cách tổng quan, đầy đủ và được phân tích sâu sắc, chất lượng nhất.

Hình 2: Sơ đồ tư duy cần thiết để hệ thống hóa công việc một cách khoa học

Tổng hợp các cách vẽ sơ đồ tư duy phổ biến hiện nay:

Sơ đồ tư duy hình cầu

Sơ đồ tư duy hình cầu (Bridge Map) là loại biểu đồ được vẽ nằm ngang với chủ đề chính nằm bên trái, tiếp nối là các nhánh phụ thể hiện những điểm giống nhau, sự tương quan giữa các vấn đề. Điều này tạo ra sự suy diễn tương đồng, làm cho nội dung diễn đạt mang tính hấp dẫn hơn.

Cách vẽ sơ đồ tư duy hình cầu thường được ứng dụng trong các môn học ngôn ngữ, các tác phẩm bằng văn bản như blog, bảng thể hiện chế độ dinh dưỡng trong mỗi khẩu phần ăn…

Hình 3: Sơ đồ tư duy hình cầu

Sơ đồ tư duy hình tròn

Sơ đồ tư duy hình tròn (Circle Map) là sơ đồ được vẽ với một hình tròn lớn bên ngoài và một hình tròn nhỏ bên trong. Hình tròn nhỏ bên trong là nội dung trọng tâm, thể hiện chủ đề, ý tưởng chính. Các vấn đề liên quan, ý kiến bổ trợ nằm ở hình tròn bên ngoài. Các thông tin càng xa hình tròn trung tâm thì càng ít quan trọng hơn.

Hình 4: Sơ đồ tư duy hình tròn

Sơ đồ tư duy hình cây 

Sơ đồ tư duy hình cây (Tree Map) được vẽ như một cái cây lớn có nhiều nhánh cây nhỏ. Đây là sơ đồ tư duy đơn giản và phổ biến, có thể dễ dàng tận dụng khả năng nghe, nhìn và xử lý thông tin tốt nhất.

Phần nội dung, chủ đề chính được đặt lên phía trên cùng của cây. Các nhánh cây mô tả chủ đề phụ, các thông tin và ý tưởng liên quan đến chủ đề chính. Sơ đồ tư duy hình cây không giới hạn số lượng phân nhánh. Sơ đồ Tree Map được ứng dụng rất phổ biến trong trường học, xây dựng các kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể. Áp dụng cách vẽ sơ đồ tư duy hình cây là phương pháp rất phù hợp để đánh giá và sắp xếp lại thông tin một cách trực quan nhất.

Hình 5: Sơ đồ tư duy hình cây được sử dụng phổ biến

Sơ đồ tư duy luồng

Flow Map – Sơ đồ tư duy luồng được thiết kế theo cả chiều ngang và chiều dọc. Thoạt nhìn khá giống với một lưu đồ (flowchart). Sơ đồ tư duy luồng giúp bạn sắp xếp nhiều dữ liệu theo một trật tự nhất định.

Với sơ đồ Flow Map, chủ đề chính được để bên ngoài sơ đồ. Các hình chữ nhật bên dưới thể hiện cụ thể quá trình hoặc tiến trình giải thích cho chủ đề chính. Chúng được nối với nhau bằng mũi tên tạo thành từng bước thực hiện của chủ đề chính.

Cách vẽ sơ đồ tư duy luồng thường được dùng để mô tả các bước hướng dẫn một nhiệm vụ, một công thức nào đó. Hoặc trình bày quá trình phát triển của một sự vật, sự việc.

Hình 6: Sơ đồ tư duy luồng

Sơ đồ tư duy đa luồng

Đây là sơ đồ tư duy linh hoạt trong trong số các loại sơ đồ tư duy. Sơ đồ tư duy đa luồng (Multi Flow) giúp hiển thị nguyên nhân và điều kiện ảnh hưởng đến chủ đề chính. Dự đoán kết quả sẽ xảy ra của một vấn đề. Được thiết kế với nội dung chính nằm ở ô trung tâm, xung quanh là các hình chữ nhật kết nối thể hiện kết quả và dự đoán xảy ra từ chủ đề chính. Chiều mũi tên sẽ tùy vào từng tình huống và sự việc xảy ra khác nhau. 

Thông thường, nguyên nhân gây ra chủ đề chính sẽ nằm bên trái, bên phải thể hiện các tác động và kết quả mà chủ đề chính tạo nên. Mindmap đa luồng có thể được kết hợp với nhau hoặc với một sơ đồ luồng đơn giản.

Hình 7: Sơ đồ tư duy đa luồng

Sơ đồ tư duy đa luồng

Sơ đồ tư duy bong bóng

Bubble Map – Sơ đồ tư duy bong bóng là loại sơ đồ được vẽ với một vòng tròn to ở chính giữa. Vòng tròn này thể hiện từ khóa chính, liên kết với nó là những vòng tròn nhỏ xung quanh. Vòng tròn nhỏ thể hiện những ý tưởng cụ thể, từ khóa phụ, bổ sung đầy đủ ý nghĩa quá trình hình thành từ khóa chính. Nhìn vào sơ đồ tư duy bong bóng, người xem dễ dàng nhận ra mối liên hệ giữa các vấn đề.

Cách vẽ sơ đồ tư duy bong bóng thường được ứng dụng trong quá trình mô tả phân khúc khách hàng, lên kế hoạch hoàn thành một mục tiêu nhất định. Hoặc xác định đặc điểm, tính chất của một công ty để hoạch định kinh doanh, tạo logo.

Hình 8: Sơ đồ tư duy bong bóng dễ dàng nhận ra mối liên hệ

Sơ đồ tư duy bong bóng dễ dàng nhận ra mối liên hệ

Sơ đồ tư duy bong bóng đôi

Cách vẽ sơ đồ tư duy bong bóng đôi (Double Bubble Map) là sự kết hợp của hai sơ đồ tư duy bong bóng, hay thường được gọi là biểu đồ Venn. Mục đích của sơ đồ tư duy bong bóng đôi là để so sánh sự khác biệt và tương đồng của hai chủ đề. 

Biểu đồ Venn được thiết kế bởi hai vòng tròn trung tâm thể hiện chủ đề, nội dung chính. Phần tương đồng được nêu rõ ở phần bong bóng giao nhau của hai vòng tròn. Phần không giao nhau hướng về hai bên xác định sự khác biệt của hai chủ đề chính.

Hình 9: Sơ đồ tư duy bóng đôi

Khi cần so sánh các khái niệm, ý tưởng một cách trực quan, cách vẽ sơ đồ tư duy bong bóng đôi là sự lựa chọn hợp lý. Giúp bạn có cái nhìn trực diện hơn và đánh giá toàn diện hơn trước khi đưa ra quyết định đúng đắn.

Sơ đồ tư duy dấu ngoặc

Sơ đồ tư duy dấu ngoặc (Brace Map) thiết kế như một sơ đồ hình cây theo chiều ngang. Vấn đề chính sẽ được ghi bên trái, bên phải mở rộng gồm các dấu ngoặc nhọn từ lớn đến nhỏ, liệt kê đầy đủ các chi tiết thành phần của toàn bộ một vấn đề. 

Sơ đồ tư duy dấu ngoặc giúp phân tích các phần của vấn đề và mối liên quan giữa chúng. Phương pháp này dùng để phân tích một tình huống hoặc một đối tượng cụ thể. Các khái niệm và ý tưởng không thích hợp dùng Brace Map.

Cách vẽ sơ đồ tư duy dấu ngoặc được sử dụng nhiều trong việc tổ chức nơi làm việc. Ví dụ: hiển thị thành phần nhân sự của một công ty, thể hiện nội dung cụ thể của một trang web.

Hình 10: Sơ đồ tư duy dấu ngoặc phân tích một đối tượng cụ thể

Sơ đồ tư duy hệ thống

System Map – Sơ đồ tư duy hệ thống cho phép bạn hệ thống linh hoạt phân tích nhiều thành phần khái niệm và liên kết những thông tin phức tạp với nhau. Đây là loại sơ đồ tư duy phức tạp nhất, giúp người xem hiểu rõ hơn quá trình phân tích, các yếu tố chi tiết tạo nên vấn đề.

Hình 11: Sơ đồ tư duy hệ thống

Cách vẽ sơ đồ tư duy đơn giản, sáng tạo, hiệu quả

Có rất nhiều cách vẽ sơ đồ tư duy. Bạn có thể vẽ bằng tay với các loại bút màu, vẽ bằng World, Power Point, Photoshop, Google Slides hay các phần mềm Mindmap chuyên biệt… Xuyên Việt Media sẽ hướng dẫn bạn các bước vẽ một sơ đồ tư duy đơn giản, hiệu quả.

Bước 1: Xác định chủ đề chính để vẽ sơ đồ tư duy

Trước khi vẽ, bạn cần xác định rõ chủ đề, nội dung chính của sơ đồ. Đây được xem là điểm bắt đầu của một sơ đồ tư duy, quyết định đến hiệu quả của cả quá trình vẽ sơ đồ.. Từ nội dung chính, bạn sẽ hình dung được vấn đề chi tiết liên quan và lên ý tưởng cụ thể.

Bước 2: Đặt chủ đề chính ở vị trí trung tâm

Nội dung chính được đặt ở vị trí trung tâm, nên được vẽ to. Chủ đề chính nổi bật hơn khi dùng các màu sắc, hình ảnh thể hiện để thu hút thị giác người xem.

Hình 12: Chọn chủ đề chính và đặt chủ đề ở trung tâm

Hình 12: Chọn chủ đề chính và đặt chủ đề ở trung tâm

Bước 3:  Vẽ các ý tưởng lớn cho chủ đề chính theo nhánh

Xác định các ý quan trọng từ chủ đề chính, hay còn gọi là nhánh cấp 1. Các nhánh này khai thác từng khía cạnh chuyên sâu của chủ đề chính. 

Nên sử dụng một từ khóa cho mỗi nhánh để có thể triển khai những nội dung chi tiết nhất liên kết cho chủ đề.

Số lượng nhánh sẽ tùy thuộc vào nội dung của bạn và không giới hạn. Yêu cầu sử dụng từ ngữ ngắn gọn, xúc tích, nêu rõ trọng tâm.

Hình 13: Thêm các ý tưởng lớn

Bước 4: Mở rộng ý tưởng lớn bằng các nhánh nhỏ để phát triển sơ đồ tư duy

Vẽ tiếp các phân nhánh cấp 2, cấp 3 từ phân nhánh cấp 1 cho đến khi liệt kê hết tất cả các nội dung, thông tin hướng đến chủ đề chính. 

Bạn cần vận dụng não bộ để thêm nhiều ý tưởng, tự do khám phá, sáng tạo những thông tin mới bổ sung cho chủ đề chính, mở rộng sơ đồ tư duy một cách tự nhiên, trực quan hơn.

Hình 14: Mở rộng ý tưởng

Bước 5: Thêm hình ảnh, từ khóa và màu sắc

Bạn có thể sáng tạo bằng khả năng hội họa, trí tưởng tượng bằng hình ảnh, màu sắc, biểu tượng riêng biệt để trang trí cho sơ đồ tư duy trở nên sinh động, dễ ghi nhớ hơn. 

Hình 15: Bổ sung hình ảnh, trang trí cho mindmap

Lưu ý trong cách vẽ sơ đồ tư duy

Để vẽ sơ đồ tư duy có khoa học, đơn giản, dễ ghi nhớ, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

  • Không viết đoạn văn dài gây lan man, hãy dùng từ khóa nêu đúng trọng tâm chủ đề.
  • Dùng các ký hiệu, biểu tượng, hình ảnh đơn giản, ấn tượng, gợi nhớ lâu.
  • Sử dụng tối đa 4-5 màu sắc chủ đạo đan xen, trình bày hợp lý.

Hình 16: Trình bày sơ đồ tư duy hợp lý

Sơ đồ tư duy được xem như là một phương tiện hữu hiệu kích thích khả năng ghi nhận hình ảnh của não bộ. Biết được cách vẽ sơ đồ tư duy phù hợp sẽ giúp bạn nâng cao hiệu suất làm việc và học tập, cải thiện trí nhớ và khả năng học hỏi. 

Bài viết HOT

Thảo luận với Thắng nào!