Khi nhắc đến những nam danh ca hàng đầu của dòng nhạc trữ tình – tiền chiến của Việt Nam, những tên tuổi đầu tiên được người ta nhớ đến là Anh Ngọc, Duy Trác, và Sĩ Phú. Một điều thật lạ và cũng rất ngẫu nhiên, đó là “nghề ca sĩ” thực ra không phải là nghề chính của 3 nam danh ca này. Với họ, ca hát như là một cuộc dạo chơi: ca sĩ Anh Ngọc làm việc trong đài phát thanh, ca sĩ Duy Trác là một luật sư, còn Sĩ Phú là một quân nhân chuyên nghiệp, một sĩ quan không quân cấp tá.
Cả Duy Trác và Sĩ Phú đều xứng đáng được xem là những nam danh ca hàng đầu của tân nhạc, cho dù họ chưa bao giờ nhận mình là một ca sĩ chuyên nghiệp.
Nam danh ca Sĩ Phú tên thật là Nguyễn Sĩ Phú, sinh năm 1940 tại tại thành phố Boneng Thaket, Lào. Cha của ông là người Hà Nội và mẹ quê ở Bắc Ninh, nhưng vì người cha làm việc bên Lào nên cả 4 anh em của ông đều được sinh ra tại đây.
Khi Sĩ Phú được 4 tuổi, cả gia đình chuyển về lại Hà Nội và được sống trong một biệt thự sang trọng cho đến năm 1954 thì di cư vào Nam. Bấy giờ khi làm lại giấy tờ, năm sinh chính thức của Sĩ Phú trở thành 9/1/1942.
Thời gian thơ ấu của danh ca Sĩ Phú có một vài sự kiện đặc biệt được kể lại. Cho đến năm 4 tuổi ông vẫn chưa biết nói. Một hôm cậu bé Phú được dẫn đi chơi ở vườn bách thảo, và câu nói đầu tiên trong đời của Sĩ Phú là: “Mợ ơi, em thấy con voi” (Miền Bắc thời xưa, người ở thành thị thường gọi cha mẹ là cậu mợ, và xưng là em).
Không lâu sau đó, khi mới được 5,6 tuổi, Sĩ Phú thể hiện năng khiếu ca hát bẩm sinh và thường hát nghêu ngao cả ngày.
Năm 1954, gia đình ông chuyển vào Sài Gòn, ban đầu định cư ở khu Chợ Quán, quận 5. Vài năm sau dời về cư ngụ ở đường Lê Văn Duyệt (này là CMT8), Hòa Hưng cho đến năm 1975.
Sĩ Phú được vào trung học đệ nhất cấp ở trường Nguyễn Khuyến, sau đó đệ nhị cấp ở trường Chu Văn An.
Đến năm học đệ ngũ (lớp 8), Sĩ Phú có theo học một lớp nhạc lý, học thổi khẩu cầm và thổi sáo, nhạc cụ nào ông cũng có thể sử dụng được, nhưng chỉ chú trọng rèn luyện về ca hát.
Thuở nhỏ ông được cho biết là rất sáng dạ, không bao giờ đụng tới sách vở nhưng điểm vẫn rất cao. Vì học hỏi nên khi mới 16 tuổi (là tuổi trên giấy tờ, tuổi thực tế là 18), ông được nhảy lớp để vào thẳng học đại học.
Năm 18 tuổi, khi vẫn còn theo học đại học, anh sinh viên Sĩ Phú đã bắt đầu nghề giáo, khi trở thành giáo sư 2 môn Toán và Lý đệ nhất cấp ở hai trường trung học Thăng Long và La San Nghĩa Thục.
Cũng trong thời gian này, Sĩ Phú đã bắt đầu đi hát, nhưng chủ yếu là cho các chương trình của Tổng Hội Sinh Viên chứ không tham gia vào làng nhạc, không thu thanh thu dĩa.
Năm 1962, Sĩ Phú tốt nghiệp đại học và vào quân ngũ. Ban đầu ông ghi danh vào hải quân, nhưng do trục trặc nên cuối cùng trở thành sĩ quan không quân. Từ năm 1963 cho đến 1965, Sĩ Phú được gửi qua Hoa Kỳ 3 lần để học lái trực thăng và các lớp huấn luyện quân sự khác.
Năm 1965, khi vừa trở về nước, ở tuổi còn rất trẻ, Sĩ Phú bị vướng vào một mối quan hệ phức tạp với một phụ nữ tên là Chi, lớn hơn ông 6,7 tuổi và rất mê giọng hát ấm áp và vẻ hào hoa của ông. Sau này, Sĩ Phú cho biết ông như là bị rơi vào một hố sâu, muốn thoát ra, nhưng vì con, với trách nhiệm làm cha nên tình cảm vẫn bị dây dưa một thời gian dài.
Trong thời điểm mà đời sống tình cảm, tinh thần bị suy sụp, thì tiếng hát trữ tình của Sĩ Phú vẫn nồng ấm, dịu dàng, như lời tâm tình gửi đến khán giả qua những bài ca tình buồn và day dứt.
Sau biến cố Mậu Thân, Sĩ Phú được Bộ Tư Lệnh Không Quân giao phó vai trò Trưởng Khối Cổ Ðộng Tuyên Truyền và Trưởng Ban Tâm Lý Chiến cho Sư Ðoàn 5, phụ trách các chương trình phát thanh, phát hình của Không Quân, trong đó có chương trình Tuyển Mộ Phi Công cho binh chủng Không Quân ở Ðài Truyền Hình Quân Ðội.
Tên tuổi của danh ca Sĩ Phú trong thời gian này đã lên tới đỉnh cao chót vót, dù với bổn phận của một quân nhân, ông không xuất hiện nhiều ở phòng trà hay vũ trường, chỉ thường diễn trong các chương trình văn nghệ của binh chủng không quân và hát trong một số dĩa nhạc, các đài phát thanh, truyền hình.
Trong thời đỉnh cao của mình, Sĩ Phú đã góp tiếng hát trong nhiều băng nhạc Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh, băng nhạc Tú Quỳnh của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, đồng thời cộng tác một thời gian dài với “Chương Trình Hoa Thời Đại” (sau đó đổi tên thành chương trình Phạm Mạnh Cương) phát hàng tuần trên đài Truyền Hình Việt Nam từ năm 1969.
Trên làn sóng phát thanh, Sĩ Phú cộng tác với chương trình “Chiến Sĩ Và Đời Sống” trên đài phát thanh quân đội và “Chương trình Phạm Mạnh Cương” trên đài phát thanh Sài Gòn.
Có một thời gian ông nhận lời hát cho phòng trà của Khánh Ly khi đang là một sĩ quan nên đã bị bộ chỉ huy binh chủng không quân thuyên chuyển ra tận ngoài Phan Rang công tác.
Trong thời gian khoảng 1968-1969, Sĩ Phú có liên hệ tình cảm với nữ ca sĩ nhạc vàng Kim Loan. Theo tiết lộ của Ngọc Lan – người bên cạnh ông những năm cuối đời, đó là một mối tình sâu sắc nhưng không được gia đình Kim Loan ủng hộ. Gần đây, chính nữ ca sĩ Kim Loan cũng đã trực tiếp xác nhận cuộc tình này. Họ đã chia tay sau khi Kim Loan sang Tây Đức định cư vào năm 1969.
Năm 1974, Sĩ Phú chia tay người vợ đầu. Cho dù đó là cuộc hôn nhân không có tình yêu và là một quãng đời mang nhiều nuối tiếc, nhưng sau này Sĩ Phú nói rằng dù sao đi nữa ông cũng mang ơn người vợ này vì đã mang nặng đẻ đau và nuôi nấng những người con nên người.
Trong suốt 10 năm sự nghiệp âm nhạc của Sĩ Phú tại Sài Gòn, vào thời điểm đất nước có biến động mạnh mẽ với nhiều mất mát, đau thương, lòng người cũng lao đao theo vận nước, thì giọng hát êm đềm của Sĩ Phú có một sức mạnh lớn lao trong những bài tình ca như tưới mát cho tâm hồn của cả một thế hệ, xoa dịu bao thương nhớ, đớn đau, xót xa của những người phải xa nhau.
Ngày 24/4/1975, cha của Sĩ Phú qua đời, đồng thời những tin tức hỗn loạn từ tiền tuyến liên tục dội về đô thành, người người đều chuẩn bị cho những chuyến di tản không hề biết đích đến.
Ban đầu Sĩ Phú không có ý định bỏ ra đi, nhưng đến ngày 29, khi biết rằng không còn gì để cứu vãn được nữa, ông vào thăm mộ cha, thắp hương rồi thất thểu ra về. Trên đường về, Sĩ Phú gặp một người bạn là sĩ quan không quân Mỹ đi xe jeep, đẩy ông lên xe để đi thẳng một mạch ra sân bay Tân Sơn Nhứt để lên trực thăng đi khỏi đất nước khi ông vẫn chưa có một sự chuẩn bị nào.
Ðó là chuyến bay quân sự cuối cùng rời khỏi phi trường Tân Sơn Nhất lúc 6 giờ chiều ngày 29 tháng 4 năm 1975. Chiếc trực thăng chở người di tản ra đến Ðệ Thất Hạm Ðội của Hoa Kỳ đang ở ngoài khơi miền Nam Việt Nam.
Những năm tháng đầu tiên trên xứ người, Sĩ Phú tạm quên đi nỗi đau xa con, xa bạn bè và quê hương, bắt đầu đi học lại ở một đại học và một trường dạy nghề. Sau đó ông tốt nghiệp Kỹ sư Viễn Thông và làm việc cho các công ty viễn thông của Mỹ, đồng thời vẫn hoạt động văn nghệ, thường đi show ở một số nơi.
Trong dịp Xuân tha hương đầu tiên vào đầu năm 1976, Sĩ Phú được mời hát trong một chương trình văn nghệ mừng Tết ở San Diego, là nơi mà ông đã từng sống vài tháng sau khi đặt chân đến Hoa Kỳ.
Cùng tham dự hội chợ Tết này còn có một số nghệ sĩ khác như Khánh Ly, Trung Hành, Quang Minh, Đoàn Thanh Tuyền, ban nhạc New Life với Trung Nghĩa và 2 “con mèo” Kim Anh và Uyên Ly (trong ban tam ca 3 Con Mèo nổi tiếng trước 1975).
Trong lần diễn chung này, Sĩ Phú và Uyên Ly nảy sinh tình cảm và sống chung với nhau như vợ chồng tại vùng Los Angeles, nhưng không làm hôn thú. Năm 1978, Sĩ Phú và Uyên Ly có với nhau một con gái mang tên Lisa Nguyễn Ngọc Tuyền vào năm 1978. Sĩ Phú đã dồn tất cả sự thương yêu của mình vào đứa con gái này bằng cách săn sóc và dạy dỗ rất tận tình. Sự thương yêu trẻ thơ của Sĩ Phú còn được dành cho cả con riêng của Uyên Ly, người mà ông xem không khác gì con ruột.
Nhưng một sự cố đau thương đã xảy đến khi Lisa bất ngờ qua đời vào năm 1983 khi mới 5 tuổi vì một tai nạn bí ẩn ở trường học. Có thể Lisa đã bị ngã trước đó mà gia đình không hay biết. Tối hôm đó, Lisa tạm biệt Sĩ Phú đi ngủ, nhưng sáng hôm sau thì đã không còn thở nữa. Đó là một biến cố đau buồn nhất trong cuộc đời của Sĩ Phú.
Trước khi sự việc này xảy ra, cuộc sống hôn nhân của Sĩ Phú và Uyên Ly vốn đã có những rạn nứt, nhưng vì người con gái Lisa đẹp như một thiên thần kia, họ vẫn chung sống với nhau. Sự ra đi của Lisa để lại một chấn động tâm lý nặng nề trong lòng Sĩ Phú, ông đã chán nản và buồn bã đến cùng cực và quyết định rời xa Uyên Ly để đến San Jose nhận công việc mới, không còn thiết tha gì đến việc ca hát nữa.
Vì trước đó họ không làm hôn thú nên cuộc chia tay cũng diễn ra âm thầm. Vẻ bề ngoài thì họ vẫn là vợ chồng, nhưng thỉnh thoảng thì Sĩ Phú mới đến thăm Uyên Ly như là một người bạn bình thường.
Sang đến năm 1987, Sĩ Phú gặp một người phụ nữ tên Châu và sống chung, nhưng sau đó cũng chia tay sau khoảng 5 năm. Bà Châu được mô tả là một người rất tháo vát, thương yêu và chăm sóc cho Sĩ Phú. Nhưng sau một vài năm, vì có những quan niệm sống trái ngược, nên họ đành xa nhau.
Sĩ Phú là một người đẹp trai, cao lớn, rất hào hoa và có không ít phụ nữ vây quanh, nhưng sau này ông thừa nhận rằng những người phụ nữ đến với ông bằng tình yêu đích thực chỉ có Uyên Ly, bà Châu, và người sau cùng là Ngọc Lan.
Vào năm 1995, vì nhớ những sinh họat ca nhạc, Sĩ Phú đã nhận lời xuất hiện trên chương trình video Trường Thanh số 1, thu hình tại thành phố Montreal, Canada. Với chương trình video này, ngoài vai trò ca sĩ, Sĩ Phú còn đảm trách vai trò điều khiển chương trình.
Cũng trong năm 1995, Sĩ Phú đã thực hiện riêng cho mình 2 CD mang tựa đề Tà Áo Xanh và Trái Tim Hững Hờ.
Click để nghe CD Tà Áo Xanh
CD Tà Áo Xanh có những nhạc phẩm mà ông ưng ý nhất là Tà Áo Xanh, Dư Âm, Cô Láng Giềng…
CD “Trái Tim Hững Hờ” gồm 10 nhạc phẩm ngoại quốc nổi tiếng được anh soạn lời Việt dưới những tựa đề như Cỏ Vẫn Xanh, Si Tình, Tình Yêu Tôi, Lệ Hoen Mắt Biếc…
Trước đó Sĩ Phú cũng đã từng thu tiếng hát mình trên một số CD khác như Khối Tình Trương Chi, Chân Trời Tím, Cô Hàng Nước, Áo Lụa Hà Đông, Xin Hãy Rời Xa…, đa số do trung tâm Diễm Xưa thực hiện.
Những năm cuối đời, Sĩ Phú dời xuống Orange County định cư, là nơi có rất nhiều người Việt. Tại đây ông gặp gỡ với người phụ nữ tên Ngọc Lan và sống chung cho đến khi ông qua đời năm 2000. Ngọc Lan chính là người bên cạnh để tận tình chăm sóc Sĩ Phú khi ông bị bạo bệnh, và cũng là người được ông ủy quyền quản lý quỹ Sĩ Phú Foundtion sau khi ông ra đi. Số tiền từ quỹ này sẽ được gửi về giúp đỡ các con của Sĩ Phú còn ở Việt Nam, cũng như để giúp các công tác từ thiện như lời dặn dò của Sĩ Phú trước khi nhắm mắt lìa đời…
Sau đây là những ca khúc được yêu thích nhất qua giọng hát Sĩ Phú, là những bài hát đã gắn liền với sự nghiệp của ông cả trước và sau năm 1975.
Cô Láng Giềng
Là bài hát được nhạc sĩ Hoàng Quý sáng tác năm 1943 để dành cho người đẹp Hoàng Oanh, cũng là người vợ yêu dấu của ông. Bài hát có ca từ tuyệt đẹp, thể hiện sự nhung nhớ đến với cô láng giềng, cũng là người yêu ở phương xa.
20 năm sau khi bài hát được ra đời, Sĩ Phú hát Cô Láng Giềng và lập tức ghi được dấu ấn trong lòng khán giả. Có thể nói cả trước đó và sau này, không ai có thể hát Cô Láng Giềng nào hay hơn Sĩ Phú. Cho dù vào năm 1997, ca sĩ Vũ Khanh cũng hát bài này rất hay, nhưng với cảm nhận của riêng tôi thì phiên bản của Sĩ Phú vẫn là số 1. Mời các bạn nghe lại sau đây:
Nụ Cười Sơn Cước
Bài hát này cho đến nay vẫn được xếp vào danh sách những ca khúc nhạc tiền chiến tiêu biểu nhất, được nhạc sĩ Tô Hải sáng tác năm 1947, khi ông mới 20 tuổi. Lúc đó Tô Hải theo kháng chiến và đơn vị của ông đang ở nhờ một làng dân tộc Mường ở Hòa Bình. Ông được ở trong một gia đình có cô con gái rất đẹp tên là Đinh Thị Phẩm. Nhạc sĩ đã để ý thầm cô sơn nữ này, là mối tình đơn phương thoáng qua chứ chưa phải là một tình yêu thề non hẹn biển.
Khi đơn vị chuyển quân, với tình cảm lưu luyến chân thành, nhạc sĩ Tô Hải đã “hình dung một chiếc thắt lưng xanh, một chiếc khăn màu trắng trăng, một chiếc vòng sáng lóng lánh với nụ cười nàng quá xinh” và chuyển những tình cảm này thành ca khúc, ca ngợi chung “những bông hoa rừng” mà ông đã từng gặp trên những bước đường hành quân.
Tan Tác
Ca khúc Tan Tác của nhạc sĩ Tu My thời tiền chiến có thể xem là ca khúc nổi tiếng duy nhất của nhạc sĩ bí ẩn không có nhiều thông tin còn lại:
Mây bao la trời đen u tối
Đêm đông trường lữ khách bâng khuâng
Ngóng về phương xa chờ tin nhạn.
nhưng nhạn nào có biết nơi nao mà chờ…
Click để nghe Tan Tác (thu âm trước 1975)
Một số ca khúc được sáng tác trong thập niên 1950:
Trở Về Bến Mơ
Một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Ngọc Bích, rất thích hợp với giọng hát thủ thỉ tâm sự nhẹ nhàng của Sĩ Phú:
Thuở Ban Đầu
Bài hát này được nhạc sĩ Phạm đình Chương viết vào năm 1953 khi đã vào Nam sống cùng với vợ và đại gia đình Thăng Long. Bài hát là câu chuyện kể về tâm sự của những rung động đầu đời của ông cùng với vợ là người đẹp Khánh Ngọc, là ca sĩ và minh tinh điện ảnh nổi tiếng với sắc đẹp rất kiều diễm.
Tà Áo Xanh
Lúc sinh thời, danh ca Sĩ Phú từng nói rằng ca khúc Tà Áo Xanh là một trong những bài hát mà ông yêu thích nhất. Bài hát cũng rất giống với tâm sự về cuộc đời của ông:
Em còn nhớ anh nói rằng
khi nào em đến với anh
xin đừng quên chiếc áo xanh
Em ơi, có đâu ngờ đến rằng
có màu nào không phai
như màu xanh ái ân…
Hoài Cảm
Nghe Hoài Cảm do Sĩ Phú hát, hầu như ai cũng có một cảm giác vừa rung động, vừa chơi vơi. Bài hát được nhạc sĩ Cung Tiến sáng tác năm 1953 khi ông còn rất nhỏ, mới ở độ tuổi 14-15. Ông kể về bài hát này như sau:
Hoài Cảm là bài hát mà tôi viết ra trong tưởng tượng. Tưởng tượng ra là mình nhớ một người nào mình yêu mến thôi, chứ không có ý nghĩ sâu xa gì đằng sau cả. Ðó chỉ hoàn toàn là trí tưởng tượng trong âm nhạc cũng như trong lời ca. Lời ca bị ảnh hưởng từ những bài thơ mình học ở trường, như thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, những nhà thơ lãng mạn của Việt Nam hồi đó.
Chiều Thu Ấy
Đây có thể xem là ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Lam Phương, được ông sáng tác năm 1952 khi mới được 15 tuổi, mang hơi thở của dòng nhạc tiền chiến. Thành công với nhạc phẩm đầu tiên này, nhạc sĩ Lam Phương có thêm nhiều động lực để sáng tác thêm hàng loạt ca khúc quê hương sau đó chỉ 1 vài năm, mở đường để ông trở thành một trong những nhạc sĩ thành công nhất của Miền Nam sau này.
Nỗi Lòng Người Đi
Bài hát này được nhạc sĩ Anh Bằng viết cho hoàn cảnh thật sự của ông, trong bối cảnh phải lìa xa quê hương Hà Nội để di cư vào miền Nam năm 1954. Bài hát được khởi viết từ năm 1955, có thể xem là một trong những bài đầu tiên trong sự nghiệp của nhạc sĩ tài hoa này, nhưng ông phải mất tới 10 năm để chỉnh sửa nhiều lần, đến năm 1965 mới được cho phổ biến.
Những bài hát được sáng tác trong thập niên 1960:
Tuyết Trắng
Ca khúc Tuyết Trắng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác năm 1966, gắn liền với danh ca Sĩ Phú trong cả sự nghiệp âm nhạc lẫn sự nghiệp nhà binh. Đây là ca khúc nổi tiếng nhất viết về tình yêu của người phi công trên bầu trời, và chàng thiếu tá không quân điển trai mang tên Sĩ Phú cũng là người hát thành công nhất bài này.
Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã ví hình ảnh mây trời trong mắt người phi công hiện lên trắng ngần như màu tuyết, gợi nhớ đến mối tình với người em nhỏ ngây thơ và mang tâm hồn trinh nguyên cũng như một vùng tuyết trắng.
Khi Người Yêu Tôi Khóc
Đây là một ca khúc khác cũng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, được sáng tác vào năm 1969. Khi nghe thoáng qua giai điệu và ca từ bài hát này, không nhiều người nghĩ rằng đây là nhạc phẩm của Trần Thiện Thanh, có lẽ là vì phong thái của bài hát rất gần với nhạc tiền chiến với ca từ lãng đãng, mênh mang và có nhiều tính ước lệ.
Những bài hát được sáng tác trong thập niên 1970:
Tương Tư 4
Ca khúc này là tác phẩm của nhạc sĩ Mặc Thế Nhân, một người nổi tiếng trong dòng nhạc đại chúng. Tuy nhiên từ đầu thập niên 1970, ông đã tung ra loạt 10 ca khúc Tương Tư với phong cách trữ tình và lời ca thật da diết, và nổi tiếng nhất trong số đó là bài Tương Tư 4 với tiếng hát Sĩ Phú:
Phải chi em đừng có chồng và anh còn đơn côi
Thì giờ đây em đâu buồn, anh đâu sầu, đâu lo lắng, đâu phân vân
Chiều qua ru em ngủ, chiều nay em theo chồng
thế hỏi lòng có buồn không?
Đây là bài hát được nhạc sĩ viết cho mối tình đơn phương của ông cùng ca sĩ xinh đẹp Trúc Mai, người người đã lên xe hoa theo chồng từ năm 1965. Nhạc sĩ Mặc Thế Nhân cũng nói rằng cuộc tình đẹp nhất không chỉ là tình dang dở như người ta thường nói, mà tình đơn phương của ông cũng rất đẹp.
Buồn Ơi Chào Mi
Đây là ca khúc được nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 sáng tác vào đầu thập niên 1970, viết cho mối tình đầu đã chia tay được 15 năm, nhưng lời ca vẫn như là viết cho một nỗi buồn hãy còn tươi mới, như khi vừa chia tay người yêu:
“…Buồn ơi, ta xin chào mi
Khi người yêu ta đã bỏ ta đi
Buồn ơi, ta xin chào mi
Khi tình yêu chấp cánh bay đi…”
Đây là một ca khúc viết về nỗi buồn, cũng giống như rất nhiều bài khác của loại nhạc trữ tình hồi thập niên 1970. Nỗi buồn thường khơi gợi nhiều cảm hứng trong âm nhạc, và dường như chỉ có nỗi buồn mới làm cho nhạc sĩ thăng hoa được đến đỉnh cao nhất trong nghệ thuật. Bài hát này được danh ca Sĩ Phú hát lần đầu trước năm 1975.
Còn Chút Gì Để Nhớ
Thi sĩ Vũ Hữu Định sáng tác bài thơ mang tên Còn Chút Gì Để Nhớ vào năm 1970, khi ông sang thăm một người bạn ở Pleiku. Trong cùng năm đó, nhạc sĩ Phạm Duy đã gặp Vũ Hữu Định trong một chuyến đi tìm cảm hứng cho cuộc sống và sáng tác. Người nhạc sĩ nổi tiếng này đã chọn phổ nhạc cho bài thơ này thành ca khúc mà không thêm bớt một chữ nào.
Có người nói rằng thành phố Pleiku sẽ không nổi tiếng đến như vậy nếu không có bài Còn Chút Gì Để Nhớ với câu hát:
Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông…
Trong thơ, nhạc của Vũ Hữu Định – Phạm Duy, phố núi Pleiku hiện ra đầy thơ mộng và lãng mạn, khuất sau màn sương mờ lãng đãng, ở đó có người con gái mỏng manh như mây chiều, mái tóc mềm buông trong những ngày đông gió lộng làm người lữ khách bâng khuâng và ngây ngất.
Cùng trở lại những cảm giác ngây ngất đó qua giọng hát truyền cảm của Sĩ Phú sau đây:
Mắt Biếc
Thập niên 1970 có sự xuất hiện của hàng loạt nhạc sĩ mới trong dòng nhạc trữ tình, trong đó tiêu biểu nhất là nhạc sĩ Ngô Thụy Miên với những bài hát đã trở thành bất tử: Niệm Khúc Cuối, Giáng Ngọc, Tuổi 13, trong đó có 1 ca khúc đã gắn liền với sự nghiệp của Sĩ Phú, đó là Mắt Biếc.
Năm 1995, khi xuất hiện trên Asia số 7, danh ca Sĩ Phú hát Mắt Biếc và nói rằng ông đã thấy 1 quãng đời của mình ở trong đó:
Dĩ vãng như bao cung tơ
lướt theo chiều mơ kết muôn bài thơ
Nuối tiếc yêu đương xa xưa
tháng năm nào trôi để nhớ nhung hoài
Cũng từ ca khúc Mắt Biếc mà sau này nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có cảm hứng viết một tiểu thuyết lấy cùng tên và được thế hệ độc giả 8x,9x rất yêu thích.