Trang chủ Chuyện đời Nhạc sĩ Lê Uyên Phương và những tình khúc bất tử

Nhạc sĩ Lê Uyên Phương và những tình khúc bất tử

Tác giả: Trần Công Thắng
316 views

Trong làng nhạc miền Nam trước năm 1975, dòng nhạc Lê Uyên Phương có một chỗ đứng độc tôn, khác biệt với tất cả, một loại nhạc của sự cuồng mê, của những đôi tình nhân quấn quít và rã rời bên nhau. Những bài hát của nhạc sĩ Lê Uyên Phương rất nồng nàn nhưng cũng đầy khắc khoải vì những lo âu về thời cuộc, và những yêu đương trong đó thường vội vã, cuồng mê, nhân tình luôn muốn được trọn vẹn ở bên nhau.

Nhạc sĩ Lê Uyên Phương tên thật là Lê Minh Lập, sinh năm 1941 tại Đà Lạt, cũng là nơi ông lớn lên và gắn bó phần lớn thời gian của cuộc đời khi còn ở trong nước, trước khi rời Việt Nam năm 1979.

Cha của Lê Minh Lập vốn họ Phan, nhưng vì cuộc cách mạng của Phan Bội Châu nên phải đổi thành họ Lê. Mẹ là Công Tôn Nữ Phương Nhi – con gái thứ 9 của vua Thành Thái. Do giấy tờ bị thất lạc nên ông phải làm lại giấy khai sinh hai lần, nhân viên làm giấy tờ nhầm tên thành Lê Minh Lộc rồi Lê Văn Lộc. Nghệ danh Lê Uyên Phương là ông lấy chữ Phương trong tên mẹ, cùng với chữ Uyên tên người bạn gái đầu tiên mà ghép thành.

Bài nhạc đầu tay của Lê Uyên Phương là Buồn Đến Bao Giờ được ông sáng tác năm 1960 tại Pleiku. Những ca khúc tiêu biểu nhất trong sự nghiệp của ông được sáng tác sau thời điểm ông gặp vợ của mình là Lâm Phúc Anh năm 1967, đó là Lời Gọi Chân Mây, Dạ Khúc Cho Tình Nhân, Cho Lần Cuối, Vũng Lầy Của Chúng Ta, Tình Khúc Cho Em, Hãy Ngồi Xuống Đây, Uống Nước Bên Bờ Suối, Chiều Phi Trường, Một Ngày Vui Mùa Đông…

nhạc sĩ Lê Uyên Phương

Năm 1967, nhạc sĩ Lê Uyên Phương gặp cô gái gốc Hoa tên là Lâm Phúc Anh mới 15 tuổi, để rồi bắt đầu một cuộc tình định mệnh.

Khi đó Lâm Phúc Anh là tiểu thư của một gia đình thương gia khá giả và nề nếp ở khu người Hoa ở Sài Gòn, được gia đình đưa lên Đà Lạt để học trường dòng của Tây. Nhà Lê Uyên Phương và nơi Lâm Phúc Anh ở kề sát nhau – số 18 và 22 Võ Tánh (nay là đường Bùi Thị Xuân) – Đà Lạt. Hai người quen rồi kết hôn vào năm 1968. Hầu hết các ca khúc của Lê Uyên Phương từ đây về sau đều tặng cho vợ.

Đến cuối thập niên 1960, khi đã gần 30 tuổi, nhạc sĩ Lê Uyên Phương vẫn là một tên tuổi vô danh trong làng nhạc. Sau đó nhờ có nhà thơ Đỗ Quý Toàn giúp đỡ và giới thiệu với nhà báo Đỗ Ngọc Yến, là một người hoạt động phong trào văn nghệ sinh viên. Ông Yến tổ chức cho Lê Uyên Phương buổi biểu diễn đầu tiên tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ, từ đó nhạc của Lê Uyên Phương bắt đầu đến được với công chúng, đặc biệt là giới sinh viên vốn đang bị nhiều ảnh hưởng của trào lưu chủ nghĩa hiện sinh.

Có một lần, sau buổi diễn, nhiều phóng viên hỏi “Lê Uyên Phương” là ai? Nhạc sĩ Lê Uyên Phương buột miệng chỉ vợ rồi nói: “Đây là Lê Uyên. Còn tôi là Phương”. Từ đó Lâm Phúc Anh gắn liền với nghệ danh Lê Uyên. Lúc hai người song ca thì được gọi chung “Lê Uyên và Phương”.

Từ trước đến nay, có một quy ước, đó là nếu viết là Lê Uyên Phương, thì hiểu đó là tên của nhạc sĩ Lê Uyên Phương, dòng nhạc Lê Uyên Phương. Còn nếu viết là Lê Uyên & Phương (hoặc Lê Uyên và Phương, Lê Uyên – Phương), thì sẽ hiểu đó là 2 người, là đôi vợ chồng nghệ sĩ Lê Uyên Phương và Lâm Phúc Anh, họ hát song ca với nghệ danh là Lê Uyên & Phương.

Trong vòng 19 ngày, đôi đôi vợ chồng Lê Uyên & Phương biểu diễn liên tục các show cho sinh viên Văn khoa, Luật khoa, Sư Phạm, Y Khoa, rồi tới Đài Truyền hình Việt Nam lẫn quán cà phê Con Nai Vàng của nhạc sĩ Cung Tiến. Nhờ vậy, Lê Uyên & Phương có được hợp đồng biểu diễn tại 5 phòng trà Sài Gòn, mỗi đêm hát thù lao là 5000 đồng cho mỗi điểm biểu diễn 3 bài trong vòng bốn năm. Trong khi đó nhạc sĩ Lê Uyên Phương là thầy giáo môn Văn và Triết ở Đà Lạt với đồng lương chỉ là 5, 6 ngàn mỗi tháng.

nhạc sĩ Lê Uyên Phương

 

Từ Đà Lạt vào Sài Gòn, Lê Uyên Phương đã đem đến một luồng gió mới cho tân nhạc Việt Nam với những ca khúc nồng nàn, khắc khoải của tình yêu đôi lứa và đậm nét chủ nghĩa hiện sinh, như là Bài Ca Hạnh Ngộ, Dạ Khúc Cho Tình Nhân, Lời Gọi Chân Mây, Vũng Lầy Của Chúng Ta, Tình Khúc Cho Em... được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Nhạc sĩ Phạm Duy đã nhận xét rằng nhạc của Lê Uyên Phương như là tiếng nói tuyệt vọng của một thế hệ thanh xuân trong trẻo, muốn được sống để yêu đương trong thanh bình nhưng lại bế tắc trước thực tại.

Xem thêm:  Danh ca Phương Dung - Nhạn trắng Gò Công tài hoa

Từ năm 1970, nhạc sĩ Lê Uyên Phương đã phát hành được 2 tập nhạc tên là Khi Loài Thú Xa Nhau Yêu Nhau Khi Còn Thơ. Ở bìa sau của tập nhạc phát hành năm 1970, nhạc sĩ Cung Tiến đã ghi lời giới thiệu về nhạc Lê Uyên Phương như sau:

Chỉ một lần nghe, ta cũng có thể cảm thấy ngay đó là những khúc ca được sáng tác với cảm hứng âm nhạc đích thực, nhưng đó là một cảm giác không làm dáng và cũng không làm ra quá đáng, mà độ lượng, như là cố ý cầm lại vừa với tầm ngậm ngùi, ngao ngán của kiếp sống…

Tiếng nói mới đó, những “chansons de sanglot” đó, không biểu tỏ gì khác hơn là hạnh phúc ái tình giống như một hòn đảo mịt mù sương trong cơn giông thời đại. Bởi vậy mà ta nghe thấy nhiều đau đớn, nhiều nức nở đến thế. Chẳng phải là niềm đau mê man, mà là niềm đau sáng suốt: mắt mở thật lớn, ta nhìn nó đi thẳng vào tim ta đau nhói. Đó là tại sao những melodies đau đớn của PHƯƠNG – nơi ta có lẽ đã bắt lại được một machochisme huy hoàng – luôn luôn ở mode majeur. Cái “buồn majeur” là cái buồn sâu thẳm nhất trong âm nhạc có chủ âm. Và đó chính là “thú đau thương” đơn và thuần vậy…

Trong một bài cảm nhận về ca từ nhạc Lê Uyên Phương, tác giả Hiệp Dương (Học Trò) viết như sau:

Lời nhạc của Lê Uyên Phương góp một phần rất đáng kể tạo nên nét nhạc riêng biệt của dòng nhạc này.

Trong nhạc của ông, người nam và người nữ là một hiện hữu, gắn bó vào đời nhau: “tôi với em, dương trần vai tiễn đưa”, “ta từng thương mến nhau… em đành quên lãng sao?”, “em ơi, xin em nói yêu thương đậm đà”.

Khi nói lời chia ly cũng phải là hành động rất rõ ràng: “Em ơi, em ơi quay đi để cho chia lìa lần này dài phút xót xa”.

Ông cũng sử dụng rất nhiều các hình ảnh trăng, sao, mây trời,… để nói lên tâm trạng, như nhiều nhạc sĩ cùng thời. Khác với quan niệm thường gặp về nhạc Lê Uyên Phương là nhạc của ông có vẻ man dại, thậm chí có nhiều “dục tính”, tôi thấy nhạc của ông có nhiều bài thật thanh khiết, cao sang, thật đẹp như “Mình ngồi ngắm mây trời, tuổi hồng đã xa vời”, “khi em bước đến bên tôi, lời chim tưng bừng”, “nầy anh ơi suối reo sườn đồi, nầy chim ơi reo mừng cuộc đời ghi tên”, “vì đâu mê say phồn hoa, như áo gấm sáng lóng lánh”,…

Có thể nói, mỗi ca khúc của Lê Uyên Phương đều mang cảm thức hạnh phúc lẫn chia lìa. Bởi theo Lê Uyên Phương, tình yêu của một chàng trai 27-28 tuổi đang mang trong mình căn bệnh không biết ra đi lúc nào, với cô gái phơi phới mới lớn như Lâm Phúc Anh, đối với ông là quá lớn.

nhạc sĩ Lê Uyên Phương

Từ khi mới sinh ra, nhạc sĩ Lê Uyên Phương đã có một ngón tay khác thường, sưng lên một chút và không giống với các ngón khác, ông được dự đoán là mang một căn bệnh nan y không thể sống lâu. Tuy nhiên đến năm 1999 ông mới qua đời ở tuổi 58 vì bệnh phổi.

Chuyện tình Lê Uyên và Phương qua những tình khúc của nhạc sĩ Lê Uyên Phương

Trong mỗi ca khúc ca khúc của nhạc sĩ Lê Uyên Phương, chúng ta có thể thấy được sự hết mình, tận hưởng trọn vẹn, dâng hiến đến tận cùng trong mỗi khoảnh khắc yêu đương, gần gũi, như thể đó là lần cuối, nhưng đồng thời cũng nhìn thấy những úa tàn, chia ly, đau thương chấp chới kề cận.

Cho Lần Cuối là một ca khúc như vậy.

Trong một cuộc trò chuyện trên Jimmy Show, nữ ca sĩ Lê Uyên đã kể lại khá chi tiết về hoàn cảnh ra đời của ca khúc. Trong sự kiện Mậu Thân đầu năm 1968, nhà của Lê Uyên (ở Chợ Lớn) nằm trong khu vực bị giới nghiêm 24/24. Lúc này, cặp đôi vẫn đang trong hoàn cảnh bị gia đình ngăn cấm dữ dội. Sau thời gian hẹn hò tại Đà Lạt, nàng bị cha mẹ ép chia tay người yêu, đưa về Sài Gòn giam lỏng. Cuối tuần, chàng nhạc sĩ lại lặn lội bắt xe từ Đà Lạt xuống Sài Gòn, lén lút đến thăm người yêu. Lần đó vì lệnh phong toả, suốt 19 ngày nàng và chàng không được thấy mặt nhau. Đó cũng là lần lâu nhất hai người phải xa nhau kể từ lúc yêu.

nhạc sĩ Lê Uyên Phương

Vì quá thương nhớ chàng nhạc sĩ, cô gái trẻ Lê Uyên bất chấp lệnh giới nghiêm và cả sự quản thúc của gia đình để đến gặp người yêu. Để có thể đến chỗ người yêu, cô nói dối gia đình là đi ra ngoài mua đồ, rồi canh lúc quân cảnh canh gác lỏng lẻo, lén chui qua hàng rào giới nghiêm để thoát ra ngoài, chạy đến chỗ hẹn. Sau khi gặp gỡ, hai người thuê xích lô máy trốn đi cùng nhau. Sau đó nhạc sĩ Lê Uyên Phương cho ra đời bài hát Cho Lần Cuối với những ca từ nồng đượm yêu thương nhưng cũng chất ngất lo âu:

Xem thêm:  The Wiselands Coffee - quận 3 TPHCM

Giờ này còn gần nhau
Gần thắm thiết trong mối sầu
Gần bối rối biên giới từ lòng đau

Giờ này còn cầm tay
Cầm chắc mối duyên bẽ bàng
Cầm chắc mắt môi ngỡ ngàng
Cầm giá buốt thương đau
Ngày mai ta không còn thấy nhau…

Trước khi được phép cưới nhau, “Lê Uyên và Phương” đã có một thời gian dài yêu nhau trong khắc khoải, lo âu, yêu trong giây phút hiện tại mà chưa biết tương lai sẽ ra sao. Trong những lần nàng từ Đà Lạt về lại Sài Gòn, họ đưa tiễn nhau ở phi trường Liên Khương, cùng mang tâm trạng xót xa khi nghĩ về những ngày sẽ không được gặp nhau. Nỗi niềm đó được nhạc sĩ Lê Uyên Phương ghi lại trong Chiều Phi Trường, sau đó là Lời Gọi Chân Mây:

Em ơi, quên đi bao nhiêu xót xa
Những chiều thiết tha bên nhau
Em ơi, xin em, xin em nói yêu đương đậm đà
Để rồi ngày mai cách xa.

Dù mai đây xa cách muôn trùng
Dù mai đây nơi xa
Phồn hoa không thiết tha… (Chiều Phi Trường)

Một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Lê Uyên Phương viết về mối tình của họ thuở ban đầu, đó là Dạ Khúc Cho Tình Nhân, với nội dung chất chứa những sự yêu thương, niềm nhớ nhung quyến luyến và nỗi đợi chờ trong vô vọng. Bài hát này được nhạc sĩ Lê Uyên Phương viết năm 1968, khi mà ông còn ở Đà Lạt, còn người yêu của ông là Lê Uyên – Lâm Phúc Anh đang bị gia đình “giam lỏng” ở Chợ Lớn – Sài Gòn để chia cách tình yêu của họ.

nhạc sĩ Lê Uyên Phương

Trong tình cảnh đó, Lê Uyên Phương cảm thấy cuộc tình mong manh và buồn như nỗi chết. Ông viết trong niềm nhớ tình nhân không nguôi:

Tình nhân đã xa xôi
Ðời ngăn cách nhau hoài
Một lần thôi đã không thôi
Yêu nhau trong lo âu
Biết bao lần tha thiết nhớ mong...

Nhạc của Lê Uyên Phương không hề có tham vọng lớn lao như là muốn tạo được sự biến chuyển nào đó đến xã hội, không đao to búa lớn muốn xoay vần thời thế, nhạc của Lê Uyên Phương đơn thuần là của tình nhân viết cho tình nhân, hay cụ thể hơn, của “Lê Uyên Phương viết cho Lê Uyên và Phương”.

Có một ý kiến từng nhận xét thật đúng về nhạc của Lê Uyên Phương, nói rằng đó là thứ âm nhạc đầy nắng, gió, sông, suối, sương mù… Âm nhạc rã rời như chính thân xác sau cuộc truy hoan mê mải, chỉ có thể nghe chung với một người tình mê đắm. Âm nhạc đó cần sự thinh lặng của thân xác lẫn tâm hồn. Mà trong đời người, giây phút nào là thinh lặng tuyệt đối hơn khoảnh khắc ấy?

Có một ca khúc có thể xem là mang nhiều đặc tính đó nhất của nhạc sĩ Lê Uyên Phương, đó chính là bài Vũng Lầy Của Chúng Ta.

nhạc sĩ Lê Uyên Phương

Ngay cái tên tựa đề của bài hát này cũng thật lạ lẫm và khác biệt. Đôi tình nhân kia phải sống trong vũng lầy và ngày càng vùi sâu trong ngao ngán và ê chề. Họ phải yêu cuồng sống vội như thể không cần biết đến ngày mai nữa.

Sự yêu cuồng sống vội của đôi tình nhân Lê Uyên & Phương không phải với ý nghĩa như hiện nay, mà vì họ lo âu về mai sau. Cuộc tình của họ vừa mới chớm đã mê đắm, nhưng lại gặp nhiều trắc trở ngăn cách. Lúc đó đôi tình nhân phải chịu cảnh mỗi người một nơi, thời gian được ở bên nhau thật ít ỏi vì bị gia đình ngăn cấm. Họ yêu nhau vội vã như là sợ ngày mai sẽ không còn được nhìn thấy nhau nữa.

Bài hát này được viết trong thời điểm mà nhạc sĩ Lê Uyên Phương chỉ được gặp người yêu mỗi tuần một lần, khi ông phải đáp xe đò từ Đà Lạt về Sài Gòn thăm người yêu, rồi sau đó lại lên xe quay ngược về Đà Lạt để kịp ngày đi dạy học.

Theo em xuống phố trưa nay
đang còn ngất ngất cơn say
Theo em bước xuống cơn đau,
bên ngoài nắng đã lên mau

Cho nhau hết cả mê say,
cho nhau hết cả chua cay
Cho nhau chất hết thơ ngây,
Trên cánh môi say, trên những đôi tay,
trên ngón chân bước về tình buồn, tình buồn

Yêu nhau giữa đám rong rêu,
theo dòng nước cuốn lêu bêu
Đi qua những phố thênh thang

Đi qua với trái tim khan
Đi qua với trái tim khan
Đi qua phố bước lang thang

Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết:

“Lê Uyên Phương thốt lên tiếng nói tuyệt vọng của một thế hệ thanh xuân trong trẻo, muốn được sống để yêu đương trong thanh bình thì lại bế tắc trước thực tại. Họ vùi sâu vào tình yêu mà tìm quên. Họ công khai mong manh, công khai tàn lụi”.

Nếu nhìn rộng ra khỏi sự bế tắc đơn lẻ của chuyện tình Lê Uyên và Phương, thì vũng lầy mà đôi tình nhân này đã gặp phải – theo lời nhạc sĩ Phạm Duy – hình như cũng là vũng lầy chung của cả một thế hệ tuổi trẻ sinh ra và sống giữa chiến cuộc dài, cuộc sống mong manh như cây cỏ, nên tình yêu cũng quá mong manh, và những chàng trai cô gái năm xưa như là phải sống trong vũng lầy thế hệ, không thể vượt thoát khỏi được những “cơn mê” để tự do yêu đương mà không bị những âu lo buồn bã thường trực.

Xem thêm:  Huyền thoại về đoàn cải lương Kim Chung và nữ nghệ sĩ Kim Chung

Có một ca khúc đặc biệt của Lê Uyên Phương viết về thứ tình yêu say mê, đắm đuối, đầy tận hưởng chứ không có sự lo âu, sầu muộn, đớn đau như trong phần lớn các nhạc phẩm khác của ông, đó là Uống Nước Bên Bờ Suối.

Ca sĩ Lê Uyên từng kể rằng, để bảo vệ tình yêu của mình và chàng nhạc sĩ, cô đã phải nhiều lần liều lĩnh và quyết liệt. Cô đã làm mọi cách, thậm chí cả những cách dại dột nhất nhất của một cô gái 16 tuổi để gia đình chấp nhận cho cưới, có lần Lê Uyên & Phương còn trốn nhà xuống Bảo Lộc ở chung cùng nhau suốt một tuần. Bỏ lại những lo âu sau lưng, họ đã từng cùng nhau du sơn ngoạn thủy, rồi trong một lần đến bên bờ suối ở vùng Pleiku hoang sơ, nhạc sĩ Lê Uyên Phương có niềm cảm hứng dạt dào để làm nên những lời ca “chất ngất mê say” bên bờ suối:

Qua bao con đường, qua bao phố phường lê mòn gót chân
Chim muông bên rừng chờ mình về đón mừng
Môi khô em tròn đợi từng giọt sữa non

Dừng bên suối rồi rừng trưa nắng ngừng trôi
Đường dài đón ta cho ta dòng nước tươi thêm tình yêu
Ngọt bùi sẽ đem cho em ngày tháng đi qua cuộc đời…

Năm 1979, hai vợ chồng Lê Uyên Phương rời Việt Nam, đến định cư tại Miền Nam California, Hoa Kỳ. Tại đây họ có hai người con gái Lê Uyên Uyên và Lê Uyên My.

Để được sống bên nhau, Lê Uyên & Phương đã trải qua vô số những phong ba, nhưng rồi cuối cùng họ không thể cùng nhau vượt qua được thử thách trên xứ người.

nhạc sĩ Lê Uyên Phương

Khoảng giữa thập niên 1980, Lê Uyên và Phương không còn sống cùng nhau, nhiều người cho rằng họ đã chia tay sau gần 20 năm là vợ chồng. Năm 1990, nhạc sĩ Lê Uyên Phương cùng ca sĩ Lê Uyên và người con của họ là Lê Uyên Uyên thực hiện một liveshow ở Cali. Lúc đó Lê Uyên Phương đã trực tiếp xác nhận rằng hôn nhân của họ đã tan vỡ. Xin được trích lời nói của nhạc sĩ Lê Uyên Phương:

“Kính thưa quý vị. Không biết cái điều sau đây là 1 sự tình cờ, là định mệnh, hay là sự thấu thị trong nghệ thuật, mà những điều chúng tôi viết cách đây 20 năm trong những bài tình ca, 20 năm sau những sự kiện đó xảy ra y như thật.

Tất cả những ca khúc viết cách đây 20 năm trong thời kỳ tràn trề hạnh phúc thì chỉ nói lên những điều chia cách và báo hiệu những điều không tốt đẹp trong đời sống tình cảm của chúng tôi. Thì tới lúc này những điều đó đã xảy ra”.

Bạn có thể xem lại đầy đủ hơn lời của nhạc sĩ Lê Uyên Phương ở video dưới đây:

Click để xem liveshow Lê Uyên Phương 1990

Tuy nhiên gần đây, ca sĩ Lê Uyên lên báo đính chính nhiều lần là Lê Uyên và Phương chưa từng tan vỡ. Nguyên văn lời của Lê Uyên như sau:

“Cho đến ngày anh qua đời, tôi và anh vẫn một lòng một dạ yêu thương nhau, chưa từng mang cho nhau một thương tổn gì, chưa từng để cho một người thứ 3 chen vào”.

Lý do của tin đồn được ca sĩ Lê Uyên giải thích là vì cô đã gặp nạn nghiêm trọng vào năm 1984, phải điều trị rất lâu và nghỉ hát trong nhiều năm liền. Những khi đó, nhạc sĩ Lê Uyên Phương vẫn ở bên cạnh chăm sóc, lo lắng, yêu thương Lê Uyên.

nhạc sĩ Lê Uyên Phương

Không rõ vì sao có sự mâu thuẫn giữa lời tâm sự của nhạc sĩ Lê Uyên Phương năm 1990 và lời khẳng định của ca sĩ Lê Uyên gần đây. Tuy nhiên dù sao đi nữa, câu chuyện về đôi uyên ương Lê Uyên & Phương vẫn là một câu chuyện tình rất đẹp và đã đi vào huyền thoại trong làng âm nhạc Việt Nam. Họ đã cống hiến cho khán giả những bản tình ca rất đặc biệt và khác biệt, luôn được yêu mến trong nửa thế kỷ qua.

Nhạc sĩ Lê Uyên Phương mất vì bệnh ung thư phổi vào ngày 29 tháng 6 năm 1999 tại bệnh viện UCI (University of California, Irvine).

Tác giả: Đông Kha – Niệm Quân

Đăng tải lại bởi: TranCongThang.com

Thảo luận với Thắng nào!