Đây là bài viết đầu tiên của tôi cho blog cá nhân, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc nên mở đầu bằng chủ đề gì. Và cuối cùng tôi quyết định chọn vấn đề mang tính bản lề của cuộc đời mỗi người: nghỉ việc để theo đuổi con đường riêng.
Vậy có nên nghỉ việc không?
Nghỉ việc thì cần chuẩn bị những gì?
Nghỉ việc có phải là giấc mơ màu hồng để trở thành triệu phú, tỷ phú?
==> Không có câu trả lời từ chuyên gia đâu, chính bản thân bạn phải tự tìm câu trả lời cho riêng mình.
Hãy cùng tôi nhìn lại hành trình và những trải nghiệm mà Trần Thắng đã đi qua trong những tháng ngày chênh vênh nhất của chàng thanh niên vừa qua tuổi đôi mươi một tí.
Nếu bạn cũng có những nỗi lòng thầm kín, hãy bình luận bên dưới bài viết để cùng nhau chia sẻ.
Mục lục nội dung
Đó là một ngày đầu năm 2018, trong một buổi tối ngồi uống cá phê cóc ở quận 9, tôi tự đặt câu hỏi cho bản thân về vấn đề nghỉ việc. Nhưng ngay lập tức, hàng loạt câu hỏi khác ập đến…
- Nghỉ việc rồi làm gì ăn? tiền đâu xài?
- Lỡ nghỉ việc xong lo ăn ngủ mà không phấn đấu như dự tính thì sao?
- Nếu con đường mới thất bại thì sẽ thế nào?
- Bị mọi người soi mói thì phản ứng thế nào?
Tôi đã quen biết, đã thấy và chứng kiến rất nhiều anh chị em nghỉ việc vì tiếng gọi con tim hoặc vì thằng bạn cũng nghỉ việc để khởi nghiệp. VÀ cái kết là sau 3 tháng ăn lương trợ cấp thất nghiệp thì lại vác hồ sơ đi xin việc công ty khác…
Hoặc nhiều trường hợp tệ hơn là sa ngã vào những tệ nạn xã hội vì nghỉ việc rảnh rỗi sinh nông nổi
Nhưng phổ biến nhất vẫn là nghỉ việc xong thì lăn ra ăn ngủ cho thỏa sức, và sau 3 tháng hết tiền thì về nhà báo đời cha mẹ. Đó là những rủi ro cơ bản nhất mà bạn cần dự tính trước khi quyết định nghỉ việc.
==> Lời khuyên dành cho bạn: Làm gì cũng phải dự tính những rủi ro và nguy cơ gặp phải, đừng quyết định trong vô thức hoặc đừng quyết định theo người khác.
- Không nghỉ việc khi không có dự tính gì cho tương lai
- Không nghỉ việc vì đứa bạn nó cũng mới nghỉ
- Không nghỉ việc chỉ vì cãi nhau với đồng nghiệp nên giận nghỉ
- Không nghỉ việc chỉ vì giờ làm sớm quá, lười dậy hoặc giờ làm trễ quá, không đi nhậu kịp
- Không nghỉ việc vì sự soi mói của người khác
Sau khi suy nghĩ về những rủi ro, tôi bắt đầu nhìn lại công việc hiện tại để xem có phải mình nên nghỉ việc thật không. Vì đôi khi chúng ta làm việc theo cảm xúc nên thấy không vui một chút là bắt đầu lấp ló ý định nghỉ việc; hoặc xích mích với sếp một tí là dọa nghỉ việc. Đừng trẻ con như vậy!!
Sau đây tôi sẽ liệt kê cho bạn các dấu hiệu cơ bản nhất cho biết bạn nên cân nhắc nghỉ việc để tìm con đường mới hoặc ít nhất là đổi nơi làm việc. Vì dù có tiếp tục thì cũng không thể khá hơn được.
Có khi nào bạn cảm thấy chán nản khi phải đi làm hàng ngày tại công ty đó? Bạn thấy sợ những sáng thứ hai và khát khao những chiều thứ bảy một cách cháy bỏng? Đi làm ở công ty nhưng thường xuyên bị phân tâm vì vấn đề nhảy việc, vì theo đuổi những mảng khác? Bạn có hay chia sẻ cùng bạn bè rằng đã chán làm công ty này, thấy không còn hứng thú đam mê gì cả?….. Và với các bạn nữ thì hay khóc nhè khi đi làm cũng là một dấu hiệu nên chú ý.
Những dấu hiệu trên chứng tỏ nhiệt huyết trong bạn dành cho công ty hoặc cho lĩnh vực đang làm đã bị cạn kiệt. Bạn nên tìm một môi trường mới hoặc chuyển sang một lĩnh vực công việc khác để thay đổi chính mình.
Ramona Ortega – founder của My Money My Future nói rằng: “khi cô đang đọc, nói chuyện và mơ mộng về một hướng đi mới trong sự nghiệp, đó thường là tín hiệu cho thấy đã sẵn sàng thay đổi.”
Có những lúc tôi cảm thấy mục tiêu của tôi và mục tiêu của công ty đang khác xa nhau, hoặc định hướng của tôi và các đồng nghiệp có rất ít sự tương đồng. Điều này làm cho tôi cảm thấy có phần bị lạc lõng và dần dần trở nên hết động lực phấn đấu cho những gì mình đang làm.
Theo Marc Cenedella – CEO của Ladders: “nếu bạn không học hỏi được gì từ công việc trong vòng 6 tháng trở lại đây thì bạn nên suy nghĩ về việc có nên tiếp tục ở lại môi trường này không.”
Có một số bạn sẽ cảm thấy năng lực của mình không được sử dụng hết cho công việc hiện tại; hoặc đơn giản là bản không còn là chính mình khi phải cố gắng duy trì công việc hiện tại. Đó là những dấu hiệu rất rõ rệt và mang tính quyết định cho những gì sắp xảy ra.
“Bạn không thể tỏa sáng và trở thành người tốt nhất nếu không là chính mình. Có rất nhiều công ty cho phép nhân viên thể hiện tính cách của mình. Bạn hãy bắt đầu tìm kiếm những công ty như vậy”, trích lời của tiến sỹ tâm lý học Horsham-Brathwaite
Mức lương/mức thu nhập là một trong những yếu tố cốt lõi khi bạn tìm việc làm. Khi tôi mới tốt nghiệp, mục tiêu của tôi là có được việc làm và ít quan tâm về mức lương. Sau vài năm chinh chiến, tôi nhận ra mình không thể tạo ra những đột phá trong cuộc đời nếu chỉ an phận đi làm và lãnh một số tiền ổn định vào đầu tháng. Mặc dù số tiền đó cũng đủ để tôi chăm lo cho gia đình 3-4 người sau này, nhưng tôi khát khao hơn như thế.
Lúc này sẽ có 2 tình huống xảy ra:
- Nếu bạn đã làm ở công ty này đủ lâu và năng lực đã được chứng minh, hãy mạnh dạn đề nghị một mức lương cao hơn. (tất nhiên nếu bạn còn nhiệt huyết cống hiến và yêu thích việc đang làm)
- Nếu mọi điều không như mong muốn và ngày càng nhàm chán, bạn nên tìm kiếm một công việc khác phù hợp với mức lương tốt hơn hoặc học tập để trải nghiệm một lĩnh vực mới.
Ở một góc nhìn khác, tôi đã từng ganh tỵ và ước ao mình có thể làm ra nhiều tiền để giàu có, để đi đây đi đó như những người bạn trên Facebook. Nhưng đó là một suy nghĩ ngu xuẩn và ấu trĩ, vì mỗi người sẽ có một quá trình phát triển riêng, năng lực đến đâu thì thành công đến đó.
Và như bạn biết, tôi đã quyết định tìm cách tăng thu nhập bằng cách nghỉ việc Địa Chất và bước sang một lĩnh vực mới đó là Marketing Online.
Thế giới luôn thay đổi từng giây phút và mỗi chúng ta ai rồi cũng khác. Tôi nghĩ rằng rất ít người trong chúng ta có thể tự tìm thấy đam mê thực sự để đăng ký thi vào trường đại học phù hợp rồi ra trường để theo đuổi đam mê ấy đến cùng. Đơn giản là vì chúng ta còn quá non trẻ và cực kỳ thiếu định hướng đúng đắn trong những năm tháng mấu chốt ấy.
Vì vậy đừng bất ngờ khi những đam mê của tuổi 17 bị tàn phai và thay bằng những đam mê khác ở tuổi 25. Tôi là một ví dụ điển hình cho trường hợp này. Năm 17 tuổi, tôi thấy rằng mình đam mê tìm hiểu những vật chất tự nhiên và khám phá những thứ trong thiên nhiên nên đăng ký thi vào khoa Địa Chất để đi làm dầu khí hoặc làm địa chất.
Sau một thời gian, bụi công trường phai nhạt áo hào hoa…. Tôi lại phát hiện ra một đam mê khác cháy bỏng hơn, đó là kiếm tiền online thông qua các kênh Marketing Online, bán hàng online…
Nếu bạn cho rằng chỉ cần nghỉ việc và tham gia vài khóa học ngắn hạn thì sẽ thành công trên con đường mới; hoặc nghĩ rằng mình đã có kinh nghiệm thì xin việc đâu chẳng được thì tốt nhất là… đừng nên nghỉ việc, ít nhất là lúc này.
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và chuẩn bị cho quyết định nghỉ việc trước đó 6 tháng. Vậy mà sau khi nghỉ việc tôi còn gặp rất nhiều khó khăn không lường trước được. Sau đây là một số thứ tôi khuyên bạn nên chuẩn bị trước khi nộp đơn xin nghỉ việc.
Hãy tự trả lời câu hỏi này nếu bạn muốn nghỉ việc. Nếu bạn không biết được sáu tháng sau khi nghỉ việc sẽ làm gì thì đừng nên nghỉ. Hãy tiếp tục làm và cho mình thêm thời gian để chuẩn bị. Nhớ là làm thì phải làm cho đàng hoàng chứ không phải lên công ty để lãnh lương rồi về nha.
Sẽ có 2 giai đoạn chính trong 6 tháng sau khi nghỉ việc:
- Giai đoạn 1 là 3 tháng đầu, lúc này bạn có trợ cấp thất nghiệp từ bảo hiểm xã hội. Đây là giai đoạn bản lề, vì nếu bạn phấn đấu để thay đổi thì 3 tháng này sẽ tạo ra những thói quen tốt, nếu bạn tự cho phép bản thân buông thả thì 3 tháng này sẽ tạo ra một kẻ lười biếng chính hiệu.
- Giai đoạn 2 là 3 tháng sau đó, lúc này thì người có thói quen tốt sẽ dần có được những tiến triển nhất định trong con đường mới hoặc công ty mới. Còn kẻ lười biếng kia sẽ chỉ ăn và ngủ, tiếp tục chuỗi ngày sa ngã…
Rất nhiều người hay nói rằng tiền bạc không quan trọng, nhưng trong trường hợp này thì nó cực kỳ quan trọng. Vì vậy trước khi nghỉ việc, hãy kiểm tra lại xem tổng số dư trong tài khoản của bạn là bao nhiêu, có đủ để duy trì cuộc sống trong 3 tháng không có thu nhập không?
Đừng quyết định vội vã, thiếu trách nhiệm rồi lại ngụy biện rằng làm gì cũng phải thần tốc.
Ví dụ hàng tháng bạn chi tiêu tối thiểu khoảng 8 triệu, thì trước khi nghỉ việc hãy cố gắng tiết kiệm ít nhất 24 triệu; lý tưởng hơn là khoảng 40 triệu. Điều này nghe có vẻ lạ nhưng nó là mấu chốt của hành trình sau khi nghỉ việc.
Một vấn đề cốt lõi nữa cần làm rõ trước khi gửi đơn cho sếp, đó là nghỉ để qua công ty đối thủ hay nghỉ để rẽ sang một mảng mới.
- Nếu nghỉ để nhảy qua công ty khác thì sẽ ít áp lực hơn, vì bạn chỉ cần đi xin việc ở một nơi khác và sử dụng những kiến thức/năng lực sẵn có để cống hiến trong một môi trường mới nhiều điều thú vị hơn.
- Nếu nghỉ việc để bắt đầu một con đường mới giống Thắng thì bạn phải chuẩn bị rất nhiều thứ, từ kế hoạch học tập cho đến kế hoạch tài chính cá nhân… Vì lúc này bạn bắt đầu từ số 0, thua kém ít nhất 4 năm kiến thức đại học và vài năm kiến thức thực chiến so với người khác. Vậy nên tôi đã phải thức đêm 1000 ngày để chạy đua với những đồng nghiệp gạo cội và đúng chuyên môn.
Bạn đang trong trường hợp nào? Hãy comment dưới bài viết để cùng nhau bàn luận thêm.
Vấn đề cuối cùng cần quan tâm đó là nơi ở sau khi nghỉ việc. Vì tôi đã tính toán từ trước nên sau khi nghỉ việc, tôi chuyển nơi ở đến một phòng trọ khác rẻ hơn và ở một vùng ngoại ô cách xa trung tâm hơn để giảm tối đa các chi phí cơ bản.
Đây là điều rất đơn giản nhưng lại không nhiều người chú ý sắp xếp. Có thể vì đã quen với nơi ở cũ hoặc đơn giản là ở chỗ cũ sướng quá, không muốn chuyển sang một chỗ ở rẻ hơn kèm với tiện nghi ít hơn. Vậy nên có bạn đã bị đứt quãng thu nhập nhưng vẫn ăn ngủ điều độ trong một chung cư sang xịn hoặc một cái nhà nguyên căn rộng rãi. Ở chỗ tốt lại ăn ngủ càng ngon hơn, sau 3 tháng là biết sự khác biệt nha.
Cuộc sống sau khi nghỉ việc của tôi có rất nhiều thay đổi, thậm chí là đảo lộn hoàn toàn so với lúc còn đi làm công ty.
- Tôi có thể dành 100% thời gian để học tập, thực hành và tìm hiểu các kiến thức trong lĩnh vực mới
- Không còn cảm thấy nhám chán trong công việc, thậm chí là thấy tinh thần phơi phới ahihi
- Vì công ty tôi đi làm có mức lương khá tốt, mức đóng bảo hiểm toàn phần nên lương trợ cấp thất nghiệp cũng đủ xài trong 3 tháng
- Mọi thứ trở nên tự do và tự chủ hơn, có thể ăn uống ngủ nghỉ làm việc hoàn toàn theo lịch của bản thân, không bị khuôn khổ theo người khác
- Vì đã chuẩn bị trước 6 tháng nên lúc tôi nghỉ việc thì cũng dần có các Job mới trong lĩnh vực mới. Vì là newbie nên chi phí chưa cao thôi, tôi còn nhớ job đầu tiên tôi nhân là viết bài đăng website giá 15.000/bài 700 chữ.
- Chưa quen với việc tự quản lý thời gian nên đôi lúc lười biếng, ngủ nướng, ham chơi quên làm
- Áp lực tài chính bắt đầu xuất hiện khi thu nhập bị đứt quãng
- Áp lực thành công cũng xuất hiện vì tôi biết rằng mình không thể thất bại trên con đường này
- Những soi mói từ mọi người xung quanh khi thằng này cứ ru rú trong nhà, rồi la cà ngoài quán cà phê cả ngày, không thấy đi làm gì hết.
Có lẽ đọc đến đây thì bạn đã phần nào tự quyết định được là mình có nên nghỉ việc hay không rồi chứ? Câu trả lời sẽ không thể chính xác là CÓ hoặc KHÔNG vì mỗi người đều có hoàn cảnh khác nhau, nhu cầu khác nhau. Tôi chỉ có thể chia sẻ những trải nghiệm của bản thân và những điều tôi thấy là cần thiết cho quyết định nghỉ việc.
Sau khi nghỉ việc khoảng 6 tháng thì những người nghỉ việc sẽ phân chia thành 2 nhóm rõ ràng như tôi đã nói bên trên:
- Nhóm có thói quen tốt
- Nhóm sa ngã
Nếu sau 6 tháng, bạn dần có được những mối quan hệ mới, có được công việc mới theo mong muốn và đặc biệt là tự tạo ra được những thói quen làm việc mới thì xin chúc mừng, đó là những dấu hiệu cho thấy bạn đang đi đúng hướng trên một con đường mới. Lúc này bạn nên duy trì và cố gắng học hỏi thêm kiến thức từ các nguồn, kinh nghiệm từ người đi trước; đặc biệt là đọc các Case Study trong ngành.
Nếu sau 6 tháng, thành tích của bạn chỉ là ngủ nhiều hơn, tăng cân hơn và ngày càng ít thu nhập từ các công việc đang theo đuổi thì xin chia buồn, bạn đang bị cuốn vào vòng xoáy tận hưởng sau khi nghỉ việc và đang trên đường trở thành kẻ lười biếng. Lúc này bạn nên tự vấn lại bản thân là nghỉ việc để làm gì?
Trên đây là những chia sẻ nhanh gọn của Thắng trong một buổi sáng chủ nhật nào đó. Thật sự thì không ai có thể thay bạn trả lời câu hỏi có nên nghỉ việc hay không. Hãy tự hỏi chính bản thân mình và tự suy nghĩ xem nếu nghỉ việc thì bạn cần chuẩn bị gì và cần làm gì sau khi nghỉ việc.
Đừng vội vã quyết định hoặc chạy theo đám đông…. Chúng ta đều đã trên 18 tuổi và cần có trách nhiệm với tất cả những quyết định hay hành động của mình.
Chỉ nên nghỉ việc khi bạn biết rõ nghỉ để làm gì và đó là quyết định của riêng bạn!
Kết lại tôi chỉ gửi đến bạn vài dòng sau:
“Ai cũng chỉ có một lần thanh xuân và cũng phải lần đầu làm người lớn, vì vậy nếu có sai lầm thì sửa chữa thôi. Nếu cảm thấy không thoải mái vì công việc hiện tại, vì mọi thứ hiện tại thì phải dám đánh đổi để có những thứ mới hơn, tốt hơn. Đừng chỉ muốn ăn mà không muốn làm hehe….”.
Nếu bạn cũng có những nỗi lòng thầm kín, hãy bình luận bên dưới bài viết để cùng nhau chia sẻ.
6 bình luận
Cám ơn vì những đóng góp của tác giả. Tôi cũng đang trên còn đường xây dựng mục tiêu của mình.
Cảm ơn bạn đã tham gia bình luận, chúc bạn sẽ sớm đạt được mục tiêu của mình.
Sau nhiều tháng nghỉ việc để theo đuổi đam mê làm giàu và tự do với MMO, có nhẽ nhiều anh chị em đã phải khóc thét. Nhận ra thực tế không như các video, bài viết trên mạng. Bản chất phía sau là họ vẽ ra để chạy quảng cáo và lùa gà vào các khóa học ????
Anh em nào thích gặp gỡ, giao lưu bạn bè hoặc cần gặp khách hàng đối tác thì vìa quê không phải là lựa chọn tốt. Hoặc đúng ra công việc đó có thể làm ở quê (với máy tính và mạng Internet) nhưng sợ lời nói của bà con thôn xóm, gia đình, ko giám về quê thì cuộc sống ở thành phố sẽ chật vật, khốn đốn lắm 🙁 Tuy nhiên, động lực cũng sẽ lớn hơn.
Đúng rồi anh Tịnh, về quê thì khó phát triển mở rộng nhưng chi phí thấp, ở thành phố thì chi phí và áp lực nhiều. Đúng là ai cũng lần đầu làm người lớn!!!
Mình cũng từng muốn nghỉ nhưng ở cái tuổi 3x, vẫn còn quá nhiều thứ bận tâm nên chưa thể nghỉ để bắt đầu một cái khác cho là phù hợp hơn, không còn cái nhiệt huyết khi còn tẻ