Trong bối cảnh số lượng Freelancer tại Việt Nam đang gia tăng với tốc độ khủng khiếp thì hàng loạt những bất cập bắt đầu xuất hiện. Sau đây là những bí kíp cho Freelancer để chúng ta vừa giữ được quyền lợi cho bản thân vừa làm tròn trách nhiệm của mình. Mong rằng sau bài viết này thì những trai xinh gái đẹp sẽ yên tâm tung hoành ngang dọc!
Mục lục nội dung
Dù bạn là một Freelancer hay là một nhân viên Fulltime thì trước khi làm gì, nói gì, than thân trách phận gì cũng cần nhìn lại bản thân một chút đã. Bạn nào chưa nhìn thì hãy nhìn, đừng đi vội để mà vấp ngã! Bạn nào đã nhìn nhưng chỉ thấy sương mù thì hãy chậm lại một tí! Muốn nhanh thì phải từ từ nhé.
Đặc điểm tính cách của người Việt Nam chúng ta là rất cần cù nhưng dễ thỏa mãn. Thậm chí là tự sướng đến mức bệnh hoạn. Ví dụ như khi vừa biết về viết bài SEO và nhận ra có thể kiếm tiền từ nó. Các anh chị em sẽ cắm đầu vào tìm đọc tài liệu và tìm job khắp bốn phương. Có thể nói là cần cù chăm chỉ vãi chưởng! Và tất nhiên sự cần cù sẽ mang lại những job đầu tiên và hoàn thành dễ dàng.
Và đây chính là lúc hạt giống tự mãn bắt đầu nhú mầm. Đã có lúc mình tự cho rằng mình viết tốt nhất quả đất nhưng khi gặp job thật sự khó thì mình chỉ như đứa trẻ tập đi trên con đường tri thức. Mình đã nhìn và tiếp xúc với rất nhiều bạn tự cho rằng “cái giá ấy” không xứng cho tui động tay. Nhưng thực tế thì bạn ấy không đủ khả năng để động tay vào việc đó. Bạn nghĩ sao?
Các bạn cũng vậy! Hãy nghĩ lại những lúc bạn gay gắt với những góp ý từ khách hàng hoặc phản pháo lại lời chỉ bảo từ người đi trước. Sự cực đoan trong tiếp nhận thông tin là vực thẳm của mọi hiểu biết.
Vì vậy, trước khi trách đời, trách số phận thì hãy nhìn lại bản thân. Bạn có thực sự giỏi như những gì bạn nghĩ? Không đâu! Bạn chỉ vừa bắt đầu bước vào cuộc chơi thôi.
Hãy nâng “chất” của bản thân trước khi đòi nâng “lượng và lương”.
Trong thời gian gần đây, đi bất cứ đâu cũng nghe hô hào cách mạng 4.0 các kiểu. Nhưng những công cụ cơ bản nhất để mở cánh cửa hội nhập vào cuộc cách mạng ấy thì chẳng ai chịu tìm hiểu. Chỉ toàn đứng ngoài xem và chờ ai đó dẫn vào. Quên đi nhé!
Nếu bạn muốn có công việc tốt khi làm Freelancer thì hãy tận dụng tối đa 2 nguồn sau:
- Công cụ Google Search. Mình nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần về vấn đề này. Thực sự thì việc dùng Google Search là cả một nghệ thuật nhưng đa số chúng ta đều quá coi thường và chẳng bận tâm tìm hiểu về nó. Kết quả là miệng thì hô hào 4.0, làm việc thời đại mới nhưng tay thì cứ viết đơn xin việc và chân thì cứ lết bộ đi tìm nơi gửi đơn.
- Danh sách những nơi tìm việc làm Freelance. Bạn có thể tìm việc ngay trong nhà vệ sinh! Chính xác là vậy. Cho đến thời điểm hiện tại thì không thể đếm hết những nơi bạn có thể kiếm tiền từ việc Freelance. Nào là Facebook, Linkedin, Zalo, các website tuyển dụng nhân sự….. Vậy tại sao bạn vẫn “ăn không ngồi rồi”?
Khi đã tìm được nơi để ứng tuyển thì các bạn giao tiếp sẽ quyết định tương lai của bạn. Sau đây là 2 ví dụ điển hình nhất mà mình thấy cực kỳ phổ biến.
- Ăn nói cộc lốc. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến hồ sơ của bạn bị xóa ngay từ cổng chứ đừng nói vòng gửi xe. Mình cũng đã từng tuyển CTV rất nhiều cho team Viết Bài Xuyên Việt. Và khoảng 50% các email, tin nhắn hỏi về công việc là dạng trớt quớt. Nhắn thì thì hỏi: còn tuyển không anh?, em được không anh?, ứng tuyển ctv, em muốn viết… Gửi mail CV thì tiêu đề mail chỉ cộc lốc 1 câu và nội dung mail để trống: CV viết bài, hồ sơ, ứng tuyển CTV…. Nếu là bạn thì bạn muốn làm việc với người hời hợt như vậy không? Hãy tự trả lời và thay đổi bản thân đi.
- Xin việc kiểu “trời đánh”. Có một số bạn đi ứng tuyển nhưng lại với tâm thế của giám đốc. Toàn yêu cầu người tuyển dụng phải làm theo ý mình. Ví dụ như anh gửi thông tin công việc qua mail chứ em không có thời gian trao đổi; hoặc chiều nay chị rảnh thì gọi cho em chứ em không đi phỏng vấn được; và phổ biến nhất là đi spam comment khắp chốn bằng các kí tự thần thánh như “ib”.
Khi xin việc Fulltime thì cần đi phỏng vấn và thử việc 1-2 tháng. Khi làm Freelancer thì chỉ trao đổi vài phút và làm 1 test nho nhỏ. Vậy có gì là không hợp lý nhỉ? Tất nhiên đến đây sẽ có 10 vạn 8 ngàn bạn chuẩn bị phản bác vì test đâu mất đó hoặc test toàn bị failed. Nhưng khoan đã! Ngậm mồm lại và đọc hết bài rồi comment vấn đề cay cú phía dưới nhé.
Khi làm Freelancer thì các công việc bạn nhận đơn thuần là mua – bán. Khách hàng hoàn toàn có quyền dùng thử hàng để quyết định có mua hay không. Đặc biệt là trong thời buổi kinh tế thị trường cạnh tranh trên mức độ toàn cầu. Do đó, khi bạn có thể làm test thì bạn đó có 50% cơ hội rồi! Vậy 50% còn lại đến từ đâu? Từ những thứ sau đây nè:
- Bạn có đủ trình độ và thái độ để làm công việc bạn test?
- Bạn có đủ tinh tế và nhạy bén để nhận ra đâu là khách hàng và đâu là bịp bợm?
Nếu thiếu 1 trong 2 thì thế nào cũng ngậm đắng và bắt đầu dựa vào “văn hóa đổ lỗi” để trốn tránh thực tế. Sao không nghĩ là do mình chưa đủ tốt? Sao sấp mặt hoài mà không biết né ổ gà?
Đa số những Freelancer thất bại đều xuất phát từ việc người đó không xem trọng lời hứa. Nếu bạn xem Deadline là một trò đùa thì đừng khóc lóc khi bị cuộc đời troll bạn ahihi. Khi làm việc trên mạng thì chỉ có duy nhất một yếu tố kết nối sự tín nhiệm đó chính là Deadline. Khoan hãy bàn đến việc bàn làm tốt như thế nào! Trước tiên hãy cứ đúng hẹn cái đã.
Còn nếu bạn đã và đang hứa lèo đều đều thì bạn xứng đáng đứng dưới đáy bảng xếp hạng. Không cần giải thích thêm gì cả!
Đọc đến đây thì bạn có thấy tự ái không? Nếu có thì hãy đi xin việc nhà nước để được nhàn hạ hoặc ở nhà cho bố mẹ nuôi là dễ dàng nhất. Nếu bạn thấy mình nói đúng thì hãy đọc tiếp phần dưới đây và sửa đổi cách làm việc đi nha.
Sau khi đã xác định được những gì bản thân bạn có và những gì bạn cần làm, triển thôi! Dân Freelancer chúng ta chủ yếu làm việc trong thế giới ảo. Nhưng những ảnh hưởng dù tích cực hay tiêu cực thì nó cũng tác động thẳng mặt vào thế giới thực tại. Điển hình nhất là làm cắm đầu rồi bị quỵt tiền. Vậy làm thế nào để nhận ra những khách hàng âm binh và khách hàng thượng đế hehe. Cùng xem nhé!
Câu chuyện Freelancer bị xù tiền đã không còn xa lạ nhưng hàng ngày trên các diễn đàn không thiếu các bài đăng bóc phốt lẫn nhau. Cái này cũng như những mô hình bán hàng “đa cấp bịp” đã có từ lâu nhưng nạn nhân thì vẫn cập nhật đều đều. Vì sao vậy?
Vì bạn tham lam, bạn thích điều dễ dàng và chẳng biết từ chối bao giờ. Bạn tham lam ở chỗ tin tuyển nào cũng vào, việc nào cũng ứng tuyển để rồi chẳng biết bạn đang cần gì. Cứ thấy chỗ nào đăng tuyển dễ dàng chẳng hề kiểm duyệt là nhảy vào, y như rằng 1 tháng sau ngậm đắng. Theo mình thì bạn nên lưu ý những điểm sau:
- Ưu tiên các tin đăng tuyển mô tả chi tiết công việc, ghi rõ thông tin liên hệ, có địa chỉ đơn vị càng tốt. Hoặc nếu không có thì hãy vào profile người tuyển để biết họ là ai. Cách nhận biết 1 nick clone cũng đâu khó lắm nhỉ?
- Viết test là đương nhiên. Nhưng chỉ viết test 1 bài duy nhất. Test xong thì nói chuyện rõ ràng. Nếu thọt thì nhờ người đó review chỗ chưa tốt vào và cảm ơn người ta. Nếu thành công thì bắt đầu trao đổi cách làm việc và cách thanh toán.
- Làm CTV thì đề nghị add bạn vào nhóm CTV của người đó và đặt vấn đề thanh toán trong 15 ngày đầu hoặc 10 bài đầu. Vì nếu uy tín và có nhóm CTV rõ ràng thì tỷ lệ ăn hành của bạn sẽ giảm rất nhiều.
- Nếu tự bạn nhận job lẻ thì có thể hẹn gặp trực tiếp nếu ở gần. Nếu ở xa thì đề nghị đặt cọc 30% qua tài khoản ngân hàng và trao đổi thông tin liên lạc thật. Con số 30% cho các job lẻ thì không quá lớn và bạn đã show tài khoản ngân hàng + dùng thông tin liên hệ thì khách hàng nghiêm túc sẽ không ngần ngại đồng ý.
Theo suy nghĩ thông thường thì xin việc và ứng tuyển là một mối quan hệ xin – cho. Do đó các bạn thường hay hạ mình và chấp nhận mọi yêu cầu từ phía khách hàng. Đây là một sai lầm mở màn cho những tháng ngày tệ hại. Vì đa số những khách hàng “khôn lỏi” đều là các chú bịp bợm. Sau đây là một số điều kiện bạn nên từ chối thẳng mặt và đi tìm job khác:
- Khách hàng yêu cầu viết test từ 2 bài trở lên với độ dài trên 1000 từ. Như mình đã nói, test là tất nhiên và chỉ 1 bài 500 từ là đã đủ biết về nhau rồi. Còn yêu cầu test số lượng lớn và độ dài lớn thì các chú ấy đang đi gom bài free từ những newbie đấy! Việc xịn còn nhiều lắm đừng đâm đầu vào nữa.
- Khi hỏi về cách thức thanh toán thì không trả lời cụ thể. Một đơn vị uy tín luôn có kế hoạch tài chính rõ ràng cho nhân viên lẫn CTV. Nếu bạn hỏi về cách thức và chu kỳ thanh toán mà các bác cứ bảo em viết đi rồi anh báo lại sau hoặc anh đang bận rồi để trao đổi sau nhé. Oke! Bấm nút.
- Khách hàng từ chối cung cấp thông tin liên hệ trực tiếp hoặc không có địa chỉ công ty. Đâu phải làm Freelancer là hoàn toàn trao đổi qua email + tin nhắn đâu. Bạn cần trao đổi số điện thoại, xin địa chỉ công ty, vào kiểm tra facebook xem có gia đình, bạn bè hoặc hoạt động đều đặn không. Cái này vừa giúp giảm rủi ro vừa cho biết chỗ đi đòi nợ hehe
Lại một lần nữa mình nói về vấn đề xác thực thông tin. Vì đối với Freelancer thì chỉ có bạn mới tự bảo vệ quyền lợi cho bạn được thôi. Do đó hãy làm mọi thứ có thể để giảm thiểu rủi ro xuống mức thấp nhất. Và khi làm việc online thì việc xác nhận danh tính khách hàng là điều không thể bỏ qua.
Bạn có thể xác thực bằng các cách sau đây:
- Gọi điện thoại trao đổi
- Đến văn phòng (nếu tuyển CTV) hoặc hẹn gặp mặt nếu tự nhận Job
- Facebook càng nhiều ảnh thật và hoạt động đều thì càng tin cậy
- Nếu trao đổi về dịch vụ viết bài SEO thì hãy xin link web và đối chiếu thông tin. Nếu trùng khớp là chủ web thì quá ok. Nếu đó là trung gian thì hãy cẩn thận
Phần đặt cọc là rất cần thiết trong các giao dịch online. Điều đó vừa cho thấy sự nghiêm túc từ phía khách hàng vừa là động lực cho bạn hoàn thành tốt công việc. Do đó, hãy trao đổi với khách hàng thật chân thành và đề nghị đặt cọc 30% cho job bạn nhận hoặc thanh toán sau 15 ngày + add vào nhóm CTV như mình đã nói ở trên.
Sau tất cả, chúng ta chỉ còn lại những nếp nhăn đi cùng năm tháng. Những nếp nhăn ấy có thể là nơi thành công trú ngụ, cũng có thể là nơi nuối tiếc ở nhờ. Vậy bạn muốn tiếc nuối về những tháng ngày quay cuồng vô định để lãng phí thanh xuân hay bạn muốn đi đến còn đường thành công?
Khi đã là Freelancer, mọi thứ đều là những con ngựa bất kham. Chỉ có người cương nhu hòa hợp mới có thể cưỡi trên lưng con ngựa ấy băng qua những khó khăn gian khổ. Và đây là 3 điều mình đúc kết sau hơn 30 triệu giây làm Freelancer. Tất nhiên đây là 3 điều nghiệm ra sau khi đã thấm 8 yếu tố trên nhé!
Mình đã từng viết 10 bài test chỉ để tìm thấy 1 khách hàng lâu dài. Nên nghĩ thoáng ra 1 tí vì 90% chủ website chẳng biết gì về tiêu chí bài SEO cả. Họ thích thì họ nhận vậy thôi! Nhưng nếu đã nhận thì chắc chắn mình sẽ làm cho người ấy và bạn bè người ấy trở thành khách hàng của mình hết.
Rất nhiều bạn phản ứng gay gắt với những góp ý và cho rằng khách hàng khó khăn. Nhưng không đâu! Chẳng ai muốn dây dưa rắc rối cả, nhưng có thể lần đầu làm việc thì suy nghĩ có phần lệch nhau. Nếu là mình thì mình sẽ lắng nghe và sửa những chỗ khách hàng góp ý. Nhưng đồng thời cũng giải thích rõ những chỗ khách hàng góp ý sai.
Đẳng cấp của một Freelancer không chỉ thể hiện qua hiểu biết chuyên môn mà còn thể hiện qua khả năng hợp tác, trao đổi công việc nữa đấy!
Cái tồi tệ nhất của thế hệ “thiết bị thông minh” trong đó từng có cả mình là sự thụ động và thích ăn sung rụng hơn leo cây hái xoài. Người thì chờ bạn chỉ chỗ xin việc, kẻ thì đợi thằng bạn mới đi phỏng vấn chung, đứa thì biết web tìm việc mà mắc cỡ không vào xem.
Ờ khoan! Cái ngớ ngẩn đáng mang ra “tát cho tỉnh” nhất là đi tìm việc chỉ bằng 2 kí tự thần thánh “ib”. Nếu ngày nào bạn còn tìm việc bằng 2 kí tự này thì bạn vẫn mãi là một đứa dở hơi cám lợn. Hãy thể hiện sự chân thành bằng cách liên hệ trực tiếp hoặc ít ra cũng nhắn tin để trao đổi công việc chứ. Đây là quy tắc quá đơn giản mà sao nhiều người quên quá nha.
Vậy đó! Đọc xong bí kíp cho Freelancer rồi thì đi tìm việc và làm thật tốt đi.
Cần trợ giúp thì comment bên dưới, thấy hay thì chia sẻ cho đồng bọn. Nhanh gọn lẹ!