Trang chủ Chuyện đời Tích cực độc hại – Sự đầu độc vui vẻ

Tích cực độc hại – Sự đầu độc vui vẻ

Tác giả: Trần Công Thắng
145 views

TÍCH CỰC ĐỘC HẠI ĐÁNG SỢ HƠN BẠN NGHĨ!
Đã có lúc tôi tin rằng sự tích cực luôn mang đến cho mỗi chúng ta điều tốt đẹp, nhưng dần dần tôi nhận ra không phải vậy. Thậm chí tôi còn dự đoán, chứng kiến một số người quanh mình lụi tàn dần bởi những khẩu hiệu hô hào, những hình ảnh hào nhoáng để chạy trốn khủng hoảng thực sự đang tồn tại bên trong.
Tích cực độc hại (Toxic positivity) hiểu cơ bản là sự chối bỏ những khó khăn, tổn thương, tiêu cực… để lấp vào bằng những sự lạc quan sáo rỗng. Tích cực độc hại mang lại một kỳ vọng không thực tế về việc có cuộc sống hoàn toàn hạnh phúc, mọi lúc mọi nơi, làm cho cảm xúc tự nhiên bị dồn nén và sẽ vỡ tan vào một ngày nào đó trong tương lai. Và tất nhiên kết quả sẽ thảm khốc!
Ví dụ là những người “cuồng sách self-help”. Tôi đã từng tiếp xúc khá nhiều bạn từ trẻ đến già, nói chuyện với nhau bằng những trích dẫn trong sách và sẵn sàng chỉ trích bất kỳ ai bộc lộ sự tiêu cực tự nhiên. Nhưng khi đề cập đến câu chuyện thực tế của mỗi người thì họ không chịu chia sẻ hoặc trốn tránh những vết ố cần xử lý.
Vào chốn công sở, ta có thể thấy nhan nhản những khẩu hiệu, những hô hào trong hội nghị… nhưng đằng sau đó là tỉ tỉ những góc khuất đang bị lãng quên. Những xung đột quyền lợi bị tích cực độc hại che mờ dẫn đến bằng mặt không bằng lòng. Hiệu suất kinh doanh giảm nhưng những khẩu hiệu hô hào làm ta quên mất việc xử lý nguyên nhân.
Trong cộng đồng nhỏ, đơn giản là một căn phòng trọ ở ghép. Khi bạn đang gặp khủng hoảng trong công việc hoặc tình cảm và gặp một bạn cùng phòng luôn vui cười và đọc sách mỗi ngày, tôn thờ chủ nghĩa độc thân sau những mối tình tan vỡ. Thật tuyệt phải không? Nhưng hãy thận trọng với tích cực độc hại, vì phía sau nụ cười là những vết xước chưa chữa lành, cuộc sống thực tế bị ảo hoá vào những trang sách… Nhưng cũng không trách bạn ấy được, vì ai cũng lần đầu làm người lớn mà, hãy tự mình nhận ra và giúp chính mình trước rồi giúp bạn nếu có thể.
Nhà trị liệu tâm lý Alice Rizzi nói rằng tích cực độc hại làm giảm giá trị những trải nghiệm của con người và khiến chúng ta cảm thấy không đúng khi rơi vào những trạng thái khó khăn.
Toxic positivity giam cầm những nạn nhân của nó trong thế giới giả tưởng, nơi không có sự cân bằng của hỉ, nộ, ái, ố. Thế giới ấy tưởng chừng tốt đẹp với cái mác “tích cực” lại không thể tránh khỏi làm tổn hại sức khoẻ thể chất, tinh thần, và cảm xúc của chúng ta.
Tôi cũng vậy, từ cuộc sống cá nhân đến công việc. Đặc biệt là khi thực hiện những kế hoạch kinh doanh thì luôn cần có những phương án dự phòng và tìm hiểu tối đa những rủi ro có thể xảy ra. Thậm chí đôi khi tôi còn tự hỏi tại sao mình toàn nhìn thấy sự tiêu cực, thực tế là sự tiêu cực đó lại diễn ra khá nhiều.
Đây cũng là lí do khiến các shop bán hàng càng bán càng lỗ, vì trong kế hoạch chỉ toàn tính đến sự tích cực mà không bao gồm rủi ro/tiêu cực vào hành trình.
Một người không thể hạnh phúc 100%, và cũng không nên như vậy. Chúng ta là đa diện và trải qua nhiều cảm xúc phức tạp khác nhau. Rộng hơn là một doanh nghiệp, rộng hơn nữa là một xã hội, một đất nước.
Nếu đi đâu,làm gì cũng toàn chuyện tích cực thì chắc hẳn bộ đồ lòng không làm phá lấu được nữa!

Xem thêm:  Chủ nghĩa hiện sinh: Sự hình thành và phát triển

Thảo luận với Thắng nào!