Tự do tài chính để được theo đuổi đam mê, đáp ứng được mọi nhu cầu cá nhân là mục tiêu mà hầu hết mọi người đều hướng tới. Để đạt được tự do tài chính đòi hỏi mỗi người phải có quyết tâm và ý chí nỗ lực hết mình. Vậy tự do tài chính là gì? Bạn đang ở đâu trong các cấp độ của tự do tài chính? Làm cách nào để lên kế hoạch đạt tự do tài chính? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bản chất của tư duy tài chính.
Mục lục nội dung
Tự do tài chính là gì?
Tự do tài chính là khả năng làm chủ tài chính của bản thân một cách độc lập.
Cụ thể: trong cuộc sống hiện đại ngày nay, để đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, đáp ứng được mức chi tiêu hàng tháng, thỏa mãn thực hiện đam mê… mà không cần lo lắng về tài chính thì bạn phải là một người có mức thu nhập ổn định, không nợ nần. Đây là trạng thái bạn thoát khỏi nỗi lo về tiền bạc, sống một cuộc sống thoải mái với nguồn thu lớn hơn nguồn chi, hay đơn giản thì đây là năng lực làm chủ và kiểm soát được tài chính của bạn.
Các cấp độ của tự do tài chính theo Grant Sabatier
Tiền bạc là yếu tố quan trọng, quyết định phần lớn đến cuộc sống của một con người, đây cũng là phương tiện giúp chúng ta có quyền quyết định cách mà bản thân muốn sống. Mỗi người có một ngưỡng tự do tài chính khác nhau, không có một con số cụ thể nào quyết định việc đạt tự do tài chính. Khi bạn đạt tự do tài chính là khi bạn không phụ thuộc vào tiền.
Grant Sabatier là người tiên phong của phong trào tự do tài chính và nghỉ hưu sớm. Ông trở thành triệu phú tự thân ở tuổi 37, và là tác giả của cuốn sách: “Tự do tài chính: con đường đã được chứng minh để có tất cả số tiền bạn cần” ( Financial Freedom: A Proven Path to All the Money You Will Ever Need). Đây là cuốn sách bán chạy nhất thế giới năm 2019, trong cuốn sách này, Grant Sabatier nhấn mạnh “trong khi khả năng kiếm tiền của một người là vô hạn, thì thời gian lại không chờ một ai, phải tự do tài chính càng sớm càng tốt”.
Grant Sabatier đã đưa ra 7 cấp độ tự do tài chính, bao gồm:
Cấp độ 1: Rõ ràng
Bạn cần nắm rõ tình hình tài chính của bản thân, đánh giá lại nguồn tiền có sẵn, nguồn thu, các khoản nợ và mục tiêu bạn hướng tới. “Bạn không thể đến nơi mình muốn nếu không biết mình phải bắt đầu từ đâu” – Grant Sabatier
Cấp độ 2: Tự túc
Bạn cần tự lực về mặt tài chính. Bạn phải kiếm đủ tiền để trang trải sinh hoạt phí mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Số tiền này có thể đến từ lương hoặc những khoản vay khác của bạn. Đây là cấp độ khó khăn khi bạn thấy cuộc sống bấp bênh và bạn sẽ cân nhắc để xem mình có nên tiếp tục tiến đến tự do tài chính hay không.
Cấp độ 3: Thoải mái
Thoát khỏi cấp độ 2 đồng nghĩa với việc bạn đã kiếm cho mình được một khoản không nhỏ để có một chút tự do về tài chính. Khoản tiền này bạn có thể dùng để đầu tư hoặc lập các khoản dự phòng, quỹ tài chính khẩn cấp.
Tuy nhiên, Grant Sabatier nói “việc bạn có nhiều tiền không đồng nghĩa với việc bạn thực sự tiết kiệm được khoản tiền đó. Thực tế, hầu hết người Mỹ đều sống bằng nợ.”
Cấp độ 4: Ổn định
Những người đạt được cấp độ 4 là những người có khả năng trả được nợ với lãi suất cao, tích lũy đủ 6 tháng phí sinh hoạt vào quỹ tài chính khẩn cấp. Việc tích lũy tài chính vào quỹ khẩn cấp để giúp bạn không bị mất kiểm soát với những trường hợp xảy ra bất ngờ.
“Ở cấp độ này, bạn sẽ không phải lo lắng nếu bị mất việc hay phải chuyển tới một thành phố khác” – Grant Sabatier
Cấp độ 5: Linh hoạt
Người ở cấp độ 5 của tự do tài chính là người tích lũy được ít nhất 2 năm tiền sinh hoạt phí. Tổng số tiền được tính bao gồm : tiền mặt, tiền từ tài khoản tiết kiệm, tiền đầu tư. Miễn là bạn sử dụng số tiền đó một cách phù hợp. Ở cấp độ này, bạn có thể rời bỏ công việc bạn thấy nhàm chán mà không cần phải suy nghĩ quá nhiều.
Cấp độ 6: Độc lập tài chính
Grant Sabatier cho rằng “Bạn thường có một trong hai điều. Hoặc bạn có một khoản tiền lớn trong danh mục đầu tư đang sinh lời, hay bạn có tài sản cho thuê và dòng tiền từ tiền thuê để trang trải chi phí sinh hoạt của bạn, hoặc kết hợp cả hai”. Theo Sabatier, những ai đã đạt được sự độc lập về tài chính mới có thể sống hoàn toàn bằng thu nhập được tạo ra từ các khoản đầu tư của họ.
Để đạt được cấp độ 6, bạn cần phải thoát khỏi khuôn mẫu truyền thống về tài chính cá nhân, thay đổi trong suy nghĩ, dùng phần lớn thu nhập của bạn để đầu tư, sống khiêm tốn hơn, cắt giảm chi phí sinh hoạt.
Cấp độ 7: Của cải dồi dào
Trong khi những người ở cấp độ 6 đảm bảo tài chính của mình bằng cách theo dõi sự thay đổi trong danh mục đầu tư thì những người ở cấp độ 7 lại có nhiều tiền hơn mức họ cần. Tiền bạc không còn là sự lo lắng và không cần thiết cho sự tồn tại hàng ngày của bạn.
Nguyên tắc để đạt được tự do tài chính
Để không bị áp lực công việc và kiếm tiền, được tự do làm điều mình thích, bạn cần tuân thủ một số nguyên tắc để đạt tự do tài chính:
Chi tiêu rõ ràng, hợp lý, khôn ngoan
Giảm nhu cầu mua sắm vật chất, hãy mua những thứ thật cần thiết, không chi tiêu quá mức để phải đi vay nợ do thiếu tiền. Những khoản chi cho học tập là khoản chi có lợi nhất bởi kiến thức giúp ích cho bạn rất nhiều trong cuộc sống. Bạn nên học cách tiêu tiền, học các phương pháp đầu tư hiệu quả, lập bảng chi tiêu hàng tháng, tránh lãng phí gây thâm hụt ngân sách.
Tăng nguồn thu nhập
Để đạt được tự do tài chính, nguồn thu nhập của bạn phải lớn hơn nguồn chi tiêu. Nếu bạn tiêu tiền nhiều hơn số tiền bạn kiếm được, thì bạn sẽ không bao giờ đạt tự do tài chính. Hãy tìm cách tăng thu nhập bằng cách nâng cao hiệu suất công việc, đa dạng nguồn thu, tối giản chi tiêu, sống tiết kiệm và có tính toán.
Tích lũy tài sản
Nền tảng quan trọng để đạt tự do tài chính là tiết kiệm và tích lũy. Bạn cần một khoản dự phòng để phục vụ cho những trường hợp khẩn cấp hoặc những khoản chi tiêu cho thời gian bạn không làm việc, bạn nên trích ra một khoản thu nhập để tiết kiệm cho tương lai. Lý tưởng nhất là bạn trích khoản tiền tiết kiệm ngay khi bạn nhận lương, đây cũng là phương pháp giúp bạn rèn luyện kỷ luật bản thân hiệu quả.
Học cách đầu tư
Để tiền tạo ra tiền, bạn nên học cách đầu tư sinh lời từ chính số tiền bạn có bằng các nguồn thu nhập thụ động: đầu tư chứng khoán, đầu tư bất động sản, đầu tư vàng… Nhưng trước tiên, hãy nâng cao kiến thức của bạn về lĩnh vực bạn sẽ đầu tư.
Quy tắc 4%
Nhiều người độc lập về tài chính áp dụng quy tắc 4% – một quy tắc ngón tay cái nói rằng cá nhân có thể rút 4% danh mục đầu tư của họ an toàn mỗi năm để phục vụ chi tiêu. Đây là nguyên tắc cơ bản cho những người có kế hoạch nghỉ hưu sớm, số tiền hưu sẽ tiếp tục tăng lên mỗi năm và không cạn kiệt.
Tuy nhiên, với tình trạng lạm phát và khủng hoảng tài chính, con số phù hợp được điều chỉnh là rút 3% tổng giá trị tài sản mỗi năm để đảm bảo tính an toàn.
Các bước lập kế hoạch tự do tài chính
Đạt được tự do tài chính không đồng nghĩa với việc bạn phải trở nên giàu có. Tự do tài chính là khả năng kiểm soát tiền bạc và cân đối thu chi và có một cuộc sống không bị chi phối bởi các khoản nợ, áp lực bởi đồng tiền. Để làm được điều đó, bạn cần lập kế hoạch thông qua 9 bước:
Bước 1: Hiểu vị thế tài chính của bản thân
Bạn cần hiểu rõ tài chính của bản thân ở thời điểm hiện tại: tổng thu nhập của bạn là bao nhiêu? Các chi phí sinh hoạt bạn cần phải trả trong một tháng? Bạn đã tiết kiệm được bao nhiêu? Bạn đang có những khoản nợ nào? Bạn có khoản đầu tư sinh lời không?…
Xác định vị thế tài chính là bước đầu tiên quan trọng để đạt được mục tiêu tự do tài chính. Bạn hãy tính toán, hoạch định lại tài chính của bản thân, phân tích số liệu theo từng nhóm và cộng lại và lưu lại các con số đó để lập kế hoạch chi tiêu cụ thể.
Bước 2: Lập ra mục tiêu cho bản thân
Tự mình trả lời câu hỏi “Tại sao bạn cần tiền?” và đặt ra mục tiêu tài chính rõ ràng, cụ thể, đo lường được và sát với thực tế thu nhập của bạn.
Hãy liệt kê 5 mục tiêu bạn muốn đạt được gần nhất, cụ thể hóa từng mục tiêu, đặt ra thời gian hoàn thành và hãy cố gắng đạt được những mục tiêu đó.
Bước 3: Theo dõi chi tiêu
Để tiến đến mục tiêu tự do tài chính, bạn phải có trách nhiệm hơn đối với đồng tiền của mình. Theo dõi và quản lý chi tiêu là bước vô cùng quan trọng.
Hãy tạo lập ngân sách, liệt kê tất cả các khoản thu chi trong tháng, sau đó tổng kết vào mỗi cuối tháng để xác định được những chi tiêu không cần thiết và có biện pháp hạn chế với những nhu cầu vật chất đó. Từ đó, bạn lên kế hoạch cân đối thu chi hợp lý hơn cho tháng tiếp theo. Bước này đòi hỏi bạn phải có sự kiên trì, tỉ mỉ và nghiêm túc thực hiện.
Bước 4: Trả tiền cho bản thân đầu tiên
Đầu tháng, hãy trả tiền cho bản thân đầu tiên, chuyển vào tài khoản tiết kiệm hoặc quỹ dự phòng của bạn một khoản tiền nhất định từ số thu nhập bạn nhận được để đảm bảo cho tương lại của bạn. Tùy theo ngân sách và nhu cầu của mỗi người mà khoản tiền trả cho bản thân mỗi tháng sẽ khác nhau. Sau đó, tiếp tục chi tiêu cho các khoản khác.
Bước 5: Chi tiêu ít hơn một cách có lý trí, biết tiết kiệm
Chi tiêu ít không phải là sống tằn tiện, khắc khổ mà làm giảm tối đa những khoản chi không cần thiết. Tập hình thành thói quen tiết kiệm, bởi chỉ có những khoản tiết kiệm mới là chính là số tiền bạn sở hữu, là khoản tiền có thể giúp bạn những lúc gặp khó khăn đột xuất. Hướng đến sự tiêu dùng thông thái bằng cách tiết kiệm nhiều hơn, chi tiêu ít và hợp lý hơn đối với nhu cầu sống hàng ngày.
Bước 6: Trả các khoản nợ xấu
Những khoản nợ xấu là những khoản nợ khiến bạn giảm thu nhập, gây kiệt quệ về tài chính. Bạn nên trả các khoản nợ từ nhỏ đến lớn, hoặc trả các khoản nợ có lãi suất cao trước. Chỉ khi trả hết nợ, dòng tiền của bạn sẽ trở nên dồi dào hơn trong tương lại. Bạn chỉ nên đầu tư khi đã xóa hết các khoản nợ. Hãy dựa trên tình hình tài chính của bản thân để đưa ra quyết định phù hợp.
Bước 7: Luôn cầu tiến trong sự nghiệp
Một ý chí cầu tiến trong công việc sẽ giúp bạn tăng thu nhập và tiến đến gần hơn với tự do tài chính.
Bước 8: Tạo thêm nguồn thu nhập
Bạn hãy tạo ra thu nhập từ 5 nguồn khác nhau trở lên nếu muốn tự do tài chính. Có 2 cách để bạn tạo thêm thu nhập: nguồn thu nhập chủ động và nguồn thu nhập thụ động.
Nguồn thu nhập chủ động là số tiền bạn kiếm được khi bỏ công sức trong một khoản thời gian cố định, hoặc có thể là nguồn thu làm thêm ngoài giờ.
Nguồn thu nhập thụ động là công việc bạn chỉ thực hiện một lần và đồng tiền sẽ tự động luân chuyển trong tài khoản của bạn. Nguồn thu này có thể đến từ việc bạn đầu tư vào chứng khoán, bán khóa học online…
Bước 9: Đầu tư tài chính
Bước cuối cùng để đạt tự do tài chính là đầu tư tài chính, hãy đầu tư càng sớm càng tốt, tận dụng triệt để sức mạnh của lãi kép. Các khoản đầu tư nên tăng dần vào mỗi năm với tỷ lệ cao hơn mức thu nhập của bạn.
Để đầu tư tài chính, bạn cần có kiến thức và đặt ra nguyên tắc đầu tư cho bản thân. Bạn luôn cần phải học nhiều, nghe nhiều và trải nghiệm nhiều. Một số loại hình đầu tư bạn có thể lựa chọn: bất động sản, đầu tư vàng, góp vốn đầu tư kinh doanh, chứng khoán, cổ phiếu.
Các trở ngại khi thực hiện kế hoạch tự do tài chính
Tự do tài chính chưa bao giờ là dễ dàng, có rất nhiều người từ bỏ con đường đạt được tự do tài chính khi gặp khó khăn. Một số trở ngại thường gặp khi thực hiện kế hoạch tự do tài chính:
- Không có khả năng tiết kiệm hoặc khả năng tiết kiệm thấp. Hãy khắc phục bằng cách cắt giảm chi tiêu hợp lý, giảm ham muốn các nhu cầu vật chất để tiết kiệm.
- Nỗi sợ hãi: bạn sợ mất tiền khi đầu tư thua lỗ, không dám mạo hiểm. Bạn cần thêm kiến thức trước khi đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào, hãy tham gia đầu tư và học cách quản lý cảm xúc ngay cả khi đầu tư không hiệu quả.
- Hoài nghi về mọi thứ. Biện pháp duy nhất giúp bạn vượt qua sự hoài nghi là phải tin tưởng vào bản thân, bỏ ngoài tai những chê bai của người khác, hãy cố gắng làm việc chăm chỉ, biết ước mơ và lên kế hoạch cụ thể đạt được ước mơ của mình.
Kết luận
Tự do tài chính là mục tiêu mà ai cũng muốn hướng tới. Bạn cần phải lên kế hoạch chi tiết, tỉ mỉ, chuẩn bị kỹ lưỡng, tuân thủ các nguyên tắc được đặt ra và đòi hỏi bạn phải có ý chí, quyết tâm vượt qua những cám dỗ vật chất. Từ đó, bạn sẽ sớm đạt được tự do tài chính và sống một cuộc sống mà bạn mong muốn.