Trang chủ Chuyện đời Xà bông Cô Ba danh tiếng Sài Gòn một thời

Xà bông Cô Ba danh tiếng Sài Gòn một thời

338 view

Trước năm 1975, nhãn hiệu “xà bông Việt Nam” (còn được gọi bằng cái tên xà bông Cô Ba) gần như độc chiếm thị trường miền Nam. Dù trước đó cũng có nhiều thương hiệu ngoại nhập cũng như thương hiệu nội khác, nhưng không cạnh tranh lại được với xà bông Cô Ba.

Đây là thương hiệu Việt 100% của ông Trương Văn Bền, là người tiên phong trong ngành kỹ nghệ Việt Nam đầu thế kỷ 20 với những sản phẩm đạt được thành công vang dội.

Đến nay, xà bông Cô Ba vẫn còn trên thị trường, là thương hiệu được xem là thủy tổ của xà bông Organic (sử dụng nguyên liệu hoàn toàn thiên nhiên) tại Việt Nam, thương hiệu có tuổi đời gần 100 năm.

co ba11

Chân dung ông chủ hãng xà bông Trương Văn Bền (1883-1956) 

Trong cuốn Sài Gòn Chợ Lớn – Ký ức đô thị và con người, tác giả Nguyễn Đức Hiệp từng nhận xét Trương Văn Bền là một nhà kỹ nghệ và thương nhân có tầm nhìn xa, nhạy bén, khôn khéo và sáng tạo không kém gì những doanh nhân nổi tiếng thế giới hiện nay.

Ông Trương Văn Bền sinh năm 1884 tại Chợ Lớn, trong một gia đình khá giả vừa có truyền thống buôn bán, vừa có dòng dõi quan viên dưới thời vua Hàm Nghi. Xét sâu xa về nguồn gốc, ông Trương Văn Bền có tổ tiên là người Quảng Đông sang Việt Nam lánh nạn nhà Thanh từ nhiều đời trước, đến đời ông nội của ông Trương Văn Bền là ông Trương Quốc Thái thì đã trở thành người Việt hoàn toàn. Ông Trương Quốc Thái từng chữ chức Huyện thừa ở Rạch Giá và chức Phủ doãn Bình Thuận. Sau khi ông Trương Quốc Thái mất, con trai là Trương Quang Thanh chuyển về Chợ Lớn bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh buôn bán và lập gia đình rồi sinh ra con trai là Trương Văn Bền.

Sinh ra và lớn lên ở vùng Chợ Lớn, Trương Văn Bền được giáo dục bởi cả hai nền giáo dục Hán học và Tây học. Ông từng được cho theo học tại trường Chasseloup Laubat (Trường trung học Lê Quý Đôn ngày nay), theo chương trình tú tài Pháp. Sau đó ông có dịp được sang Pháp du học và đã học được nghề sản xuất xà bông ở Âu Châu.

Về nước, ban đầu ông Bền làm ký lục (viên chức trong các công sở của Pháp thường làm các công việc ghi chép sổ sách, thông ngôn,..) được 2 năm thì bỏ việc về phụ giúp công việc kinh doanh của gia đình, lúc đó còn là một cửa hiệu buôn bán nhỏ ở khu vực Chợ Lớn.

truong van ben

Năm 1905, ông Trương Văn Bền mở xưởng sản xuất và tinh luyện dầu ở Thủ Đức. Công việc làm ăn khấm khá, ông tiếp tục mở thêm xưởng xay xát gạo ở Rạch Giá, khách sạn ở khu Chợ Lớn, mở đồn điền cao su, sản xuất và tinh luyện đủ loại sản phẩm từ dầu ăn, dầu dừa, dầu vừng, dầu thầu dầu, dầu cao su,… cung cấp cho các bệnh viện, hiệu thuốc ở Nam Kỳ và xuất khẩu qua Pháp. Ông đầu tư nhập khẩu nhiều máy móc tân tiên từ Pháp và Mỹ để phục vụ cho các xưởng sản xuất của mình.

Bên cạnh công việc kinh doanh, ông Trương Văn Bền còn tích cực tham gia chính trường. Từ năm 1920, ông liên tục được tin tưởng, bầu chọn vào nhiều vị trí quan trọng của chính trường như: thành viên hội đồng thuộc địa Nam Kỳ (1920), hội viên Phòng Thương mại Nam Kỳ (1924),… Đến năm 1932, ông trở thành người Việt Nam đầu tiên đảm nhận chức Phó chủ tịch Phòng Thương Mại Nam Kỳ và giữ vững vị trí này trong 9 năm liên tiếp cho đến tận khi về hưu vào năm 1941. Nhờ những vị trí có được trong chính trường, ông tích cực khởi xướng các hoạt động chống lại nạn độc quyền thương mại của các thương lái Pháp và Trung Quốc, bảo vệ quyền lợi kinh tế và công việc kinh doanh của người Việt trên đất Việt.

Đặc biệt, năm 1926, ông Trương Văn Bền tham gia thành lập Phái Đông Dương Lao Động thu hút các nhà kỹ nghệ, công chức, thương nhân, địa chủ, người lao động,… cùng tập hợp lại, đoàn kết lại để bảo vệ quyền lợi lẫn nhau thông qua các hoạt động chung và hoạt động ngôn luận trên hai tờ báo riêng của phái là tờ L’Ère nouvelle và Nhựt Tân Báo, phát hành mỗi hai tuần.

gd tvb
Gia đình ông Trương Văn Bền

Ngay từ năm 1918, nhà báo Phạm Quỳnh (cũng là quan đại thần triều Nguyễn – thân sinh của nhạc sĩ Phạm Tuyên) trong bài ký sự “Một tháng ở Nam Kỳ” đã nhắc đến Trương Văn Bền bằng sự ngưỡng mộ đối với một nhà tiên phong:

“Ông Trương Văn Bền là một nhà công nghiệp to ở Chợ Lớn, năm trước cũng có ra xem hội chợ ở Hà Nội, đem xe hơi ra đón các phái viên Bắc Kỳ về xem nhà máy dầu và nhà máy gạo của ông ở Chợ Lớn. Xem qua cái công cuộc ông gây dựng lên, đã to tát như thế mà chúng tôi thấy hứng khởi trong lòng, mong mỏi cho đồng bào ta ngày một nhiều người như ông, ngõ hầu chiếm được phần to trong trường kinh tế nước nhà và thoát ly được cái ách người Tàu về đường công nghệ thương nghiệp”.

Xà bông Việt Nam (Xà bông Cô Ba), thành tựu lớn nhất trong sự nghiệp kinh doanh của Trương Văn Bền

Từ năm 1918, ông Trương Văn Bền dùng dừa có sẵn ở miền Tây Nam bộ để thành lập xưởng ép dầu dừa rồi từ đó sản xuất xà bông cục để đáp ứng nhu cầu vệ sinh, giặt giũ của người dân hàng ngày. Đây là sản phẩm thiết yếu ai cũng cần có trong xã hội văn minh. Thời điểm này, xà bông sản xuất trong nội địa đã xuất hiện rải rác do các xưởng thủ công ở Chợ Lớn nấu, nhưng chủ yếu là loại xà bông “đá” dùng để giặt giũ có giá thành rất rẻ và mùi khó chịu chỉ dùng để giặt quần áo là chính. Những sản phẩm này không thể cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, chủ yếu là nhập từ Pháp về cả chất lượng và mẫu mã. Đó là những loại xà phòng cao cấp, có hương thơm đặc trưng và giá cả đắt đỏ, chỉ người giàu mới dám bỏ tiền ra mua.

Khi quyết định sản xuất xà bông, ông Trương Văn Bền đã tính toán đến việc sẽ tận dụng được nguồn nguyên liệu có sẵn tại Việt Nam là dầu dừa, được ép từ các xưởng ép dầu với máy móc hiện đại đã được đầu tư bài bản của mình. Chính điều này, sẽ giúp tạo ra những sản phẩm vừa có chất lượng tốt, vừa có giá cả hợp lý phù hợp với túi tiền của nhiều người.

tvb

Từ cuối thập niên 1910 đến đầu thập niên 1920, các hãng dầu của Pháp ở Sài Gòn bắt đầu yếu đi, trong khi đó hãng dầu của ông Trương Văn Bền, dù sinh sau đẻ muộn nhưng phát triển mạnh và vươn lên dẫn đầu.

Ở hội chợ quốc tế Hà Nội năm 1920, ông Trương Văn Bền đại diện cho Nam kỳ triển lãm các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp sản xuất ở Nam kỳ.

Khi cơ sở sản xuất xà bông đã phát triển, vào năm 1932, ông Trương Văn Bền thành lập công ty Truong-Van-Ben & Fils S.A -Huilerie et Savonnerie Vietnam (Công ty Trương Văn Bền & các con – Dầu và Xà bông Việt Nam) tại số 40 đường Cambodge, Chợ Lớn (nay là chợ Kim Biên). Khi lựa chọn tên Xà bông Việt Nam cho sản phẩm mới, Trương Văn Bền đã có những suy nghĩ và tính toán rất thấu đáo, bắt kịp thời cơ và thị hiếu của người tiêu dùng thời bấy giờ.

nha may
Hãng Savon Vietnam tại 40-49 Kim Biên – Chợ Lớn

Về tên của hãng xà bông (savon) mang tên là Việt Nam, ông Trương Văn Bền kể lại trong hồi ký là vì muốn “nêu cao lòng ái quốc, xà bông Việt Nam là của người Việt làm cho người Việt, người Việt yêu nước phải dùng đồ Việt Nam” (trích nguyên văn). Thời điểm đó phong trào Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học thất bại đau đớn, trong khoảnh khắc bị Pháp hành quyết, tất cả những thành viên Quốc Dân Đảng là Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Ngô Văn Du… đều bình tĩnh hô to: “Việt Nam vạn tuế”, gây một luồng dư luận sôi nổi ở trong nước và thế giới. Đều này đã gây ấn tượng mạnh khơi dậy tinh thần dân tộc đến Trương Văn Bền, ông chọn ngay cái tên Việt Nam cho hãng xà bông của mình.

xabong 3

Ban đầu khi bắt tay vào sản xuất, ông Bền chọn sản xuất xà bông “đá” dùng cho việc giặt giũ trước. Cục xà bông này có màu vàng, chất lượng tốt hơn các loại được sản xuất ở các xưởng thủ công nhỏ lẻ, giá thành lại bình dân. Cộng với tên gọi đầy tinh thần tự tôn dân tộc, xà bông Việt Nam đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường xà bông giặt.

Sau đây là một mẩu quảng cáo độc đáo của savon (xà bông) mang thương hiệu Việt Nam trên báo Sài thành (20/9/1932):

“Người Nam Việt nên dùng
Savon Việt Nam
Savon tên hiệu Việt Nam
Của người Nam Việt mới làm ngày nay

Công phu chế tạo thiệt dày
Của Tàu khó sánh, bên tây khôn bì
Sáu xu một cục mắc gì?
Giặt thì nhiều bọt, để thì không hao

Chắc nguyên, bảy chục phần dầu
Mỡ bò một chút trộn vào cũng không
Mùi thơm, mình cứng, sắc trong
Đồ làm thiệt tốt, người dùng phải ưa

Đã trình y viện Pasteur
Các nhà bác học cho tờ chứng khen
Thật là của tốt rẻ bền
Lại là nội hóa, càng nên mua dùng

Giúp nhau cùng giống Lạc Hồng
Thuong trường ta phải tranh phong với đời”.

Xã bông Việt Nam nổi tiếng và bán chạy nên đã có người làm nhãn hiệu khác lấy tên là “xà bông Nam Việt” để ăn theo. Do vậy công ty Trương Văn Bền phải đăng thông cáo trên tờ Sài thành ngày 20/9/1932:

“Xin đừng lầm

NAM VIỆT với VIỆT NAM

Vốn là chúng tôi có lập ra hãng savon hiệu “Việt Nam” đã lâu nay ai ai cũng đều hoan nghinh là savon thiệt, chẳng kém savon Marseille mà giá lại rẻ nhiều. Nay chúng tôi mới hay rằng có một thứ savon mới ra để hiệu “Nam Việt”, và có nhiều ông mua lầm tưởng là savon “Việt Nam”, viết thơ tôi hay. Bởi vậy nên chúng tôi viết bài nầy xin quí ông quí bà có mua savon “Việt Nam” thì coi kỹ có đầu hình người “Việt Nam” là savon của chúng tôi.

Nay kính cáo”.

Sau thành công của xà bông giặt, ông Trương Văn Bền tiếp tục nghiên cứu và cho ra mắt sản phẩm xà bông thơm cao cấp hơn. Do là hội viên của phòng thương mại Nam Kỳ, thông thạo tiếng Pháp, lại có nhiều dịp sang Pháp và biết đến các xưởng sản xuất xà bông của Pháp nên việc sản xuất xà bông thơm không phải là thách thức quá lớn với ông Trương Văn Bền.

Để làm ra được loại xà bông thơm có chất lượng tốt cạnh tranh với hàng Pháp, ông Bền quyết định lôi kéo người thợ giỏi nhất của hãng xà bông đối thủ là Marseille (xà bông Mác Xây) về làm cho mình với đồng lương gần gấp đôi. Ông kể lại: “Tôi mướn được thợ tên Tắc của hãng Marseille về làm. Marseille trả cho y mỗi tháng 40 đồng, tôi biểu về làm cho tôi sẽ trả 70 đồng, tức thì y về làm với tôi”.

savon vn

Sau khi mướn được thợ giỏi, ông bỏ thêm tiền đầu tư gửi thợ qua Paris học hỏi kỹ thuật sản xuất xà bông thơm một cách thuần thục rồi mới trở về triển khai và cho ra đời thương hiệu xà bông Cô Ba nức tiếng một thời. Nhờ đầu tư kỹ lưỡng vào máy móc và thầy thợ, công ty xà phòng Việt Nam không chỉ nắm được kỹ thuật nấu xà phòng đặc biệt với 72% dầu của xà bông Marseille của Pháp mà còn gia giảm, nâng tầm sản phẩm lên thành loại xà bông cao cấp mà mọi quý bà quý cô ở miền Nam đều mong muốn sở hữu, nhưng lại có giá thành chỉ bằng 2/3 giá xà bông Pháp.

Về tên gọi xà bông Cô Ba, đây hoàn toàn không phải là cái tên chính thức trên bao bì. Tên trên bao bì vẫn là xà bông Việt Nam, nhưng khác với loại xà bông giặt có màu vàng, xà bông thơm Việt Nam có màu xanh và có hình “cô Ba” ngoài bao bì. Chính từ bức hình này mà cái tên xà Bông Cô Ba mới ra đời và lưu truyền mãi trong dân gian. Theo một số tài liệu, “Cô Ba” chính là vợ của ông Trương Văn Bền, tên là Huỳnh Thị Nhiểu. Trong một bức hình chụp gia đình ông Trương Văn Bền, người phụ nữ ngồi phía trước có gương mặt và phục sức rất giống với “Cô Ba”.

coba v

Tuy nhiên, có lẽ vì quá yêu mến xà bông Cô Ba, nên những giai thoại đồn đại truyền miệng về “Cô Ba” trong dân chúng cũng không ít. Trong đó, có tin đồn “Cô Ba” chính là con gái thầy Thông Chánh ở Trà Vinh, được xưng tụng là người phụ nữ đẹp nhất Nam Kỳ đầu thế kỷ 20. Có lẽ cũng chính những lời đồn thổi này đã góp phần làm nên danh tiếng của xà bông Cô Ba, khiến “Cô Ba” trở thành một huyền thoại.

Có một điều và hiện nay rất nhiều người nhầm lẫn, đó là trước ông Trương Văn Bền, đã có một công ty xà bông nổi tiếng của Pháp trụ sở ở Lyon sản xuất xà bông, dầu thơm, phấn thơm cao cấp mang nhãn hiệu “Cô-Bà” để xuất khẩu vào thị trường Đông Dương.

co ba
Dầu thơm nhãn hiệu Cô Bà của công ty Pháp

Chữ Cô-Bà được ghi rõ trong mẫu quảng cáo như hình bên trên. Có lẽ đó là vì sản phẩm này dành cho các “quý cô – quý bà” sử dụng, nên họ sử dụng thương hiệu Cô-Bà như vậy.

phan co ba
Xà bông Cô Bà của Pháp, không phải là của ông Trương Văn Bền

Tuy nhiên cũng có mẫu quảng cáo khác ghi là Cô-Ba, gây nhầm lẫn với “xà bông Cô Ba” của ông Trương Văn Bền.

coba2

Thực ra thời xưa ông Trương Văn Bền chưa từng sử dụng cái tên “Cô Ba” chính thức ở bất kỳ sản phẩm nào của ông, mà chỉ để hình vợ lên một số dòng sản phẩm cao cấp, hình ảnh đó giống với “Cô Ba Trà” – người đẹp nổi tiếng của Nam Kỳ, nên dân chúng gọi Xà Bông Việt Nam của ông là “Xà bông Cô Ba” thay cho cái tên chính thức. Thậm chí sau này trong hồi ký, chính ông Trương Văn Bền cũng sử dụng chữ “xà bông Cô Ba” khi nói về các sản phẩm mang nhãn hiệu “xà bông Việt Nam”.

Sự nhầm lẫn này còn đến từ các báo chính thống của Việt Nam gần đây, khi viết về ông Trương Văn Bền nhưng lại minh họa bằng hình ảnh xà bông Cô Bà của Pháp.

Để có thể xâm nhập thị trường xà bông đã bị thương nhân Pháp và Hoa chiếm lĩnh từ rất lâu, ông Trương Văn Bền đã phải bỏ ra không ít tiền của và công sức để quảng cáo và phát triển thị trường. Ông kể lại trong hồi ký như sau:

“Tôi phải làm quảng cáo dữ lắm cho thương hiệu xà bông Cô Ba. Một mặt phải kiếm thế ép mấy hàng tạp hóa mua xà-bông Việt Nam về bán, vì tiệm tạp hóa hầu hết của khách trú, chúng xấu bụng không mấy khi chịu mua đồ của người Việt Nam chế tạo về bán, chỉ trừ khi nào món đồ ấy đã được thông dụng đem cho chúng một mối lợi hàng ngày thì chúng mới chịu mua. Tôi bèn huy động một tốp người cứ lần lượt hàng ngày đi hết các tiệm tạp hóa hỏi có xà bông Cô Ba bán không? Hễ có thì mua một, hai xu, bằng không thì đi chỗ khác, trước khi bước chân ra khỏi tiệm nói với lại một câu: “Sao không buôn xà bông Việt Nam về bán? Thứ đó tốt hơn xà bông khác nhiều”. Hết người này tới người khác rồi chủ tiệm cũng phải để ý lấy làm lạ, phải hỏi lại chỗ bán xà bông Việt Nam, cho người mua thử về bán. Tôi còn tổ chức những tốp quảng bá thương hiệu. Tốp thì ôm đờn ca vọng cổ tán dương tính chất của xà bông của hãng mình, tốp thì đi đánh võ rao hàng, rồi đá banh tôi cũng cho mặc áo thêu thương hiệu xà bông của hãng. Nói tóm lại tôi không bỏ lỡ một dịp nào mà không làm quảng cáo, nên xà bông Việt Nam bán chạy lắm”.

Như đã nói ở trên, khi chọn tên xà bông Việt Nam, ông Trương Văn Bền đã vạch ra một lối đi rất chắc chắn cho sản phẩm của mình là đánh vào lòng tự tôn dân tộc đang sôi sục trong lòng dân Việt khi đó.

xbvn qc
Mẫu quảng cáo savon Vietnam trên bao thư, có slogan: Người Nam Việt dùng savon Nam Việt

Trong các bài báo quảng cáo cho xà bông, ông Trương Văn Bền cho in kèm các câu khẩu hiệu kích động tinh thần dân tộc mạnh mẽ như: “Savon Việt Nam làm cho người Việt Nam dùng”, “Người Nam Việt dùng savon Nam Việt”,… Kèm theo đó là những bài báo đưa tin xà bông Việt Nam có nguồn nguyên liệu hoàn toàn Việt Nam, được sản xuất bởi đội ngũ thầy thợ, công nhân,… đều là người Việt Nam. Xà bông Cô Ba còn gây cảm tình bởi những mẫu quảng cáo gắn liền với sở thích và văn hoá của người Việt khi đó là yêu thích ca vọng cổ và ngâm thơ lục bát.

svvn

quang cao sv

Có thể nói, cách ông Bền quảng cáo, đưa thương hiệu xà bông Cô Ba vào tâm thức người tiêu dùng rất độc đáo và khác biệt trong hoàn cảnh khi đó, tiệm cận với các phương thức quảng cáo hiện đại ngày nay. Tiêu biểu là những câu “slogan” khẳng định vị trí sản phẩm, xuất hiện trong các bài đăng quảng cáo trên tờ Nam Kỳ Tuần Báo, phát hành năm 1943-1944, như “Savon Việt Nam Tốt Nhứt” và “Savon Việt Nam Danh Tiếng Khắp Đông Dương”,…

Quảng cáo xà bông Việt Nam ở Chợ Cũ (đường Hàm Nghi) – Xà Bông Việt Nam Tốt Hơn Hết

Thập niên 1940, công ty sản xuất dầu và xà bông của Trương Văn Bền là công ty quan trọng và vững vàng nhất xứ Đông Dương. Năm 1943, mỗi tháng xưởng dầu của Trương Văn Bền sản xuất khoảng 1.500 tấn dầu dừa, còn hãng xà bông sản xuất khoảng 600 tấn xà bông và 10 tấn glycerine. Sản phẩm xà bông của Trương Văn Bền không chỉ phủ khắp thị trường miền Nam Việt Nam mà còn bán sang cả các nước lân cận như Lào, Campuchia, Hồng Kông, các nước Châu Phi và đảo New Caledonia ở Thái Bình Dương.

Để giải thích vì sao các sản phẩm xà bông của công ty Trương Văn Bền lại thành công vượt trội đến như vậy, xin quay về thời điểm thập niên 1930, khi ra mắt sản phẩm savon (xà bông) được vài năm, ông Trương Văn Bền đã đăng thông cáo lên báo để nói về sản phẩm của ông:

Trên báo Sài Gòn ngày 18/2/1936, công ty Trương Văn Bền có quảng cáo savon Việt Nam và cho biết savon được bán và ưa chuộng bên Trung Hoa và các xứ Madagascar, Réunion. Quảng cáo được ông Trương Văn Bền viết như sau:

“Tại sao nên dùng

SAVON VIỆT NAM

Hãng savon VIỆT NAM ra đời được 3 năm, công chúng đều nhận thứ savon VIỆT NAM tốt hơn các thứ savon khác của Annam làm ra. Nhiều người nói rằng savon VIỆT NAM còn tốt hơn savon Marseille là khác. Từ 2 năm nay, savon VIỆT NAM đem qua bên Tàu bán thì ở bên Tàu ai ai cùng đồn rằng VIỆT NAM là tốt hơn các thứ savon khác ở bển. Lóng nầy savon VIỆT NAM lại bán qua nhiều thuộc  địa Pháp như Madagascar và Réunion thì ai nấy đều hoan nghinh savon VIỆT NAM. Tại sao mà savon VIỆT NAM tốt như vậy? Ấy là tại mấy cớ sau nầy:

1- Hãng savon VIỆT NAM dùng toàn đồ thượng phẩm mà nấu savon như dầu, tách, vân vân.

2- Savon VIỆT NAM phải nấu một tuần lễ mới thành và khi nấu rời lọc lại lấy savon tinh ra (savon épuré) nên trong savon không còn tách (vật soude caustique) nó làm hư y phục.

3- Thợ savon VIỆT NAM toàn là người có học cách nấu bên Marseille.

4- Savon VIỆT NAM nấu rồi để lâu mới bán, nên savon thiệt cứng, giặt ít hao, còn mỏng cũng dùng được.

Tại những có nầy mà savon VIỆT NAM tốt hơn các thứ savon khác.

Savon VIỆT NAM nầu công phu nhiều nên mới thành vật tốt, không phải như nhiều hiệu chỉ lấy dầu dừa với tách khuấy ra chừng một giờ thành savon (ấy là savon sống) đem ra bán rẻ lại nói rằng cũng tốt như savon VIỆT NAM.

Phải coi chừng savon sống nầy, vì giặt nó hay ăn tay và hư y phục, giặt nó nhớt tay và thứ nhứt là savon nầy hao hơn savon VIỆT NAM nhiều lắm.

Xin đồng bào có mua savon thì kiếm cho được savon VIỆT NAM mà mua vì là một vật quí báu của nước nhà. Phải coi có chữ quốc ngữ và chữ Tàu để hiệu savon VIỆT NAM và có hình mỹ nữ VIỆT NAM rõ ràng.

Hãng savon VIỆT NAM dùng trên 350 thầy thợ, các ngài dùng savon VIỆT NAM là giúp ích cho đồng bào đó.

Giá savon VIỆT NAM cũng rẻ như mấy thứ khác, không mắc hơn mà lại ích lợi cho các ngài.

Nay kính cáo

Chủ hãng savon VIỆT NAM”. (Báo Sài Gòn ngày 19/2/1936, tư liệu của Nguyễn Đức Hiệp)

Công ty của ông Trương Văn Bền và các con hoạt động cho đến năm 1975 thì cơ sở sản xuất thành Công ty Phương Đông thuộc Công nghiệp. Ngày nay một số các sản phẩm của công ty như xà bông Cô Ba vẫn còn được sản xuất nhưng không còn được biết đến nhiều.

Năm 1948, ông Trương Văn Bền trao lại cơ ngơi sự nghiệp cho các con trai quản lý rồi chuyển đến Pháp sống và đi chu du khám phá nhiều nơi trên thế giới, đồng thời, viết hồi ký về cuộc đời thương nhân lừng danh của mình. Ông mất năm 1956, khi vừa tròn 73 tuổi tại Pháp.

Tại Việt Nam, công ty xà bông Việt Nam vẫn được các con ông phát triển và duy trì thịnh vượng, cho đến năm 1975 thì trở thành Nhà máy xà bông Việt Nam thuộc bộ Công nghiệp, hiện nay là Công ty Cổ phần Liên doanh Phương Đông (Ordesco) và vẫn toạ lạc tại vị trí cũ nay là số 40 Kim Biên, Chợ Lớn.

Đến năm 1995, xà bông Cô Ba (xà bông Việt Nam) vẫn là loại xà bông thơm yêu thích được rất nhiều người Việt Nam lựa chọn tin dùng. Tuy nhiên sau đó nhãn hiệu “xà bông Việt Nam” không thể cạnh tranh lại với các tập đoàn mỹ phẩm lớn của thế giới tràn vào sau khi Việt Nam mở cửa thị trường.

co ba n
Xà bông Việt Nam hiện nay

Đến nay xà bông Cô Ba vẫn còn trên các kệ hàng của siêu thị, khai thác chủ yếu ở thị trường xà bông organic (sử dụng nguyên liệu thiên nhiên) với giá bán cao hơn hẳn các loại xà bông hóa chất thông thường.

Trương Văn Bền – Nhà công nghiệp hàng đầu ở Nam kỳ đầu thế kỷ 20

Thành công lớn trong lĩnh vực sản xuất xà bông từ thập niên 1930, nhưng thực ra cơ ông Trương Văn Bền đã thành công ở Nam kỳ từ trước đó hơn 10 năm với các lĩnh vực ép lấy tinh dầu từ các nguyên liệu sản phẩm từ nông nghiệp, ngoài dừa còn có mè, đậu phộng, cao su, bông gòn…

Theo tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, tờ báo L’Écho Annamite ngày 21/12/1920 đã viết như sau về các xưởng làm dầu của ông Trương Văn Bền:

“Hội chợ Hà Nội

Hãng đầu Trương Văn Bền ở Chợ Lớn

Sự thành công của doanh nghiệp này đánh một dấu mốc trong lịch sử của sự phát triển kinh tế ở thuộc địa. Ông Trương Văn Bền là người An Nam đầu tiên đã thành lập và phát huy một cơ sở kinh doanh cơ khí hiện đại ở Nam kỳ. Cho đến năm 1912, tất cả các ngành công nghiệp lớn ở Nam kỳ đều được điều hành bởi những người Âu hay người Tàu; người An Nam chỉ là người làm công cần mẫn của hai nền văn minh cổ xưa dẫn dắt họ về phương diện kinh tế ngay tại xứ sở của họ. Nhờ có ông Trương Văn Bền, thị trường cùi dừa ở An Hòa, xứ sở sản xuất cùi dừa Nam kỳ, một lần nữa nằm trong tay độc quyền của người Âu và người An Nam, trong khi người Tàu từng là những bậc thầy thì bị đẩy ra rìa.

Ông Trương Văn Bền thiết lập nhà máy của mình vào năm 1912, ban đầu rất khiêm tốn, chỉ có các máy ép cũ bằng gỗ, và số vốn chưa đến 3000 đồng.

Ngày nay, nhà máy, các dụng cụ phụ thuộc và hàng tồn trong kho hàng hóa của nhà máy lên đến 150.000 đồng. Dần dần, ông Trương Văn Bền thay đổi các vật liệu và thay thế các dụng cụ thô sơ của nhà máy khi xưa để bây giờ nhà máy hoạt động với những phương tiện cơ khí tối tân nhất.

Vào thời điểm ông Trương Văn Bền thiết lập nhà máy của mình, ở Đông Dương ít ai để ý đến việc trích xuất dầu từ các sản phẩm thu hoạch từ đấ đai, mà chỉ vận chuyển cùi dừa xuất đi châu Âu để làm dầu. Họ còn quăng bỏ hạt bông gòn (gạo) và ném chúng xuống sông, trong khi các hạt giống cao su thì để thối ở đồn điền.

Đó là nhờ vào sáng kiến và sự tinh tế của ông Trương Văn Bền mà người ta giờ đây đã sử dụng những hạt này. Hiện tại các hạt này được thu lượm như một nguyên liệu rất quý giá. Qua thí điểm này chúng ta đã thấy nhiều nhà máy đầu được xây cất ở Nam kỳ.

Ông Trương Văn Bền lúc đầu chỉ xử lý 600kg nguyên liệu mỗi ngày, bây giờ thì nhà máy của ông có thể xử lý khoảng 20 tấn mỗi ngày.

Diện tích của nhà máy trước đây chỉ có 500m2, ngày hô nay là 2.500m2. Ông bắt đầu với 10 người lao động, nay nhà máy sử dụng 70 công nhân.

Sự phì nhiêu của vùng đất Nam kỳ đã là huyền thoại và sự lười biếng của dân Nam kỳ chỉ muốn sống dễ dãi cũng có tiếng như thế. Họ không muốn bận tâm đến phương diện công nghiệp, mà công nghiệp thật ra là bổ sung cho tất cả các sản phẩm được thu hoạch từ đất. Chỉ có ông Trương Văn Bền và người đồng hương của ông là Nguyễn Thành Liêm, người Mỹ Tho, mỗi người đã thành công trong mỗi ngành khác nhau. Họ đã xử lý các sản phẩm thu hoạch từ đất đai.

Ông Nguyễn Thành Liêm vận hành một nhà máy gạo cơ khí khá lớn, từ cơ nghiệp này ông tiếp tục phát huy cho đến hiện nay đã có 15 nhà máy gạo hoạt động trong các tỉnh ở Nam kỳ, mỗi nhà máy sản xuất từ 10 đến 20 tấn gạo mỗi ngày, một sự tiến bộ nhẹ nhàng được cảm nhận thấy trong ngành công nghiệp Nam kỳ là nhờ vào các sáng kiến và các thành quả của các ông Trương Văn Bền và Nguyễn Thành Liêm.

Ông Bền đã trở thành nhân vật được rất nhiều người An Nam biết đến, và nổi tiếng cả trong giới người Âu, nhờ vào nỗ lực và lòng yêu nước, ông đã ra sức để phát triển ngành công nghiệp Nam kỳ. Các đồng bào của ông muốn thể hiện lòng biết ơn của họ, nên đã chọn ông là người đại diện trong Hội đồng quản hạt, mà ở đó tất cả các thành viên đã có thể đánh giá biết được sự tầm nhìn rộng lớn và sự hiểu biết của ông về tình hình kinh tế Nam kỳ.

Ông Trương Văn Bền đã chứng minh rằng người An Nam có thể, nếu họ muốn làm việc với sự khiêm tốn và đầy năng lượng, bằng cách đi từ giai đoạn này đến giai đoạn khác với sự kiên nhẫn lớn, khắc phúc được tình trạng thờ ơ ù lì vốn có của họ. Than ôi! những tiềm năng của nòi giống này vẫn còn ngủ quên chưa thức giấc.

4 máy ép lớn của Mỹ xử lý mỗi 5 tấn nguyên liệu trong vòng 24 giờ; 1 máy ép thủy lực; 2 máy nghiền cuộn hình ống; 1 máy xay lột đậu phông; 1 máy xay mè; 2 máy ép lọc.

Tất cả những máy này được hoạt động bằng đầu máy chạy bằng hơi nước có công suất 60 mã lực. Đầu máy này xử lý từ 25-30 tấn nguyên liệu và sản xuất bình quân 10 tấn dầu mỗi ngày; máy sản xuất dầu dừa, đậu phộng, mè, bông, gạo và cao su. Nhà máy sản xuất dầu ăn bán ở Sài Gòn và các nhà thuốc tây ta đủ loại và các bệnh viện ở Nam kỳ, dầu đấu thầu không màu và không mùi. Tất cả các loại dầu khâc và chủ yếu là dầu dừa được bán để xuất cản sang Pháp và Mỹ.

Đó là những gì ông Trương Văn Bền đã thực hiện được trong vòng chưa đầy 10 năm qua, bắt đầu với 3 máy ép tay.

Ngày nay, nhà máy của ông xử lý tất cả các sản phẩm có dầu của thuộc địa, dầu dừa, dầu đậu phộng, dầu cao su, dầu thầu dầu, bông gòn.

Nam kỳ có thể tự hào về công trình của người con bản xứ này, và chính phủ Nam kỳ đã nhờ ông Trương văn Bền làm đại diện cho Nam kỳ tại hội chợ ở Hà Nội, chính phủ đã không thể có một sự lựa chọn nào tốt hơn được.

Ông Trương Văn Bền sẽ truyền đạt những bài học đến các đồng hương của ông ở Nam kỳ những gì mà ông học hỏi và rút ra được về kỹ nghệ ở Bắc kỳ. Ông sẽ trở lại Nam kỳ, đối với những người bản xứ, thì ông là người tốt nhất để truyền bá lại về hoạt động công nghiệp ở Bắc kỳ.

Nguồn: chuyenxua.vn

Tổng hợp lại: TranCongThang.com

Bài viết HOT

Thảo luận với Thắng nào!