Trang chủ Chuyện đời Chánh niệm là gì? Làm sao để có chánh niệm

Chánh niệm là gì? Làm sao để có chánh niệm

Tác giả: Trần Công Thắng
147 views

Ngày nay, những nhà lãnh đạo doanh nghiệp hay bất cứ ai đều quan tâm đến chánh niệm. Bởi xu hướng sống vội, con người vô tình buông bỏ cơ thể, không biết cách chăm sóc và quan tâm cơ thể mình dẫn đến nỗi bất an tồn tại trong nhiều ngày. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến bản thân, gia đình và công việc. Chánh niệm giúp con người tỉnh thức kịp thời, là chìa khóa của tâm bình an, giúp ta có những quyết định sáng suốt, làm chủ cảm xúc, phản ứng nhanh nhạy và chính xác với những tác động của môi trường xung quanh.

Chánh niệm là gì?

Chánh niệm hiểu đơn giản là sự tỉnh giác. Chánh niệm tồn tại trong hơi thở, trong mọi hoạt động hàng ngày. Chánh niệm được hình thành khi chú tâm tập trung vào những gì đang xảy ra ở hiện tại trong ta và xung quanh ta, không phán xét, không so sánh. Thời điểm này ta không quan tâm đến quá khứ, không suy nghĩ cho tương lai mà chỉ quan tâm đến tâm mình, đưa tâm mình trở về thực tại.

Con người ta gồm có bốn lĩnh vực quán niệm: thân, thọ, tâm, pháp. Chánh niệm là năng lượng giúp ta nhìn nhận ra được điều gì đang xảy ra trong bốn lĩnh vực đó ở hiện tại. Chỉ cần nhìn nhận và không phê phán, không buồn, không vui.

  • Quán thân, nghĩa là phải biết thân thể ta đang làm gì, có gì đang xảy ra trong cơ thể, nhận diện được sự có mặt của thân thể. “Thở vào, tôi biết là thân tôi đang đứng đây. Thở ra, tôi biết thân tôi đang đứng đây”.
  • Quán thọ nghĩa là phải biết khi nào cáu, giận, vui hay buồn, chỉ cảm nhận và không làm gì khác. Khi chúng ta chạy trốn những nỗi đau, những khó khăn gặp phải trong cuộc sống, chánh niệm giúp ta trở về với thân và trở về với những cảm thọ của chính ta.
  • Quán tâm là nhận biết được tâm hành của chính mình: tâm sân, tâm si, tâm than…
  • Quán pháp là các lĩnh vực tu tập của tâm thức về tinh thần lẫn vật chất như : vô thường, vô ngã, tứ diệu đế..

Hình 1: Chánh niệm là suối nguồn hạnh phúc

Chánh niệm là trở về, là hành động làm quen trở lại, yêu thương và chăm sóc với thân thể. Khi trở về với thân thể, tiếp xúc và mỉm cười với từng bộ phận thân thể để nhận thấy thân thể không phải là chướng ngại, không phải là nơi tích tụ nỗi đau. Phải trở về với thân thể, ta mới có thể cảm thọ, hiểu rõ tâm tư mình. Chánh niệm chiếu sáng thân thể ta, soi rõ từng cử chỉ đi, đứng, nằm, ngồi của cơ thể. Trong tâm có chánh niệm, tướng mạo bên ngoài sẽ đoan nghiêm.

Chánh niệm là một phần của nguồn năng lượng tâm linh, giúp ta tự thân chữa lành những nỗi khổ đau, loại bỏ những suy nghĩ và hành động tiêu cực, sống trọn vẹn từng giây từng phút, tận hưởng cảm giác hạnh phúc và là nền tảng xây dựng thành công trong kinh doanh cho doanh nghiệp. Có chánh niệm tức ta đang ở cõi tịnh độ, đang tiếp xúc với gốc rễ tâm linh của ta, từ đó hình thành nên tâm tính và nhân cách tốt đẹp.

Hình 2: Chánh niệm để tâm khỏe, thân an

Chánh niệm để tâm khỏe, thân an

Làm thế nào để có chánh niệm?

Con người, ai cũng có nỗi khổ đau riêng. Chánh niệm giúp ta trở về, nhìn sâu vào hoàn cảnh của mình để hiểu rõ nỗi đau đó và ôm ấp nó. Chánh niệm tạo ra năng lượng chuyển hóa để chữa lành, tạo bình an trong gia đình và nơi làm việc.

Xem thêm:  Chủ nghĩa hiện sinh: Sự hình thành và phát triển

Vậy làm thế nào để có chánh niệm?

Nhiều lúc bạn có tập trung ý chí sâu sắc về việc mình làm ở hiện tại mà quên đi những gì đã xảy ra ở quá khứ và không lo ảnh hưởng đến tương lai như khi bạn nghe một bản nhạc yêu thích, chơi thể thao, hoặc khi bạn biết ơn vào mỗi sớm mai khi bạn thấy mình còn đang sống. Có thể trong những lúc như thế bạn có được những trải nghiệm chánh niệm thật tự nhiên.

Tuy nhiên, để dễ dàng có được niềm vui, an trú trong giây phút hiện tại và sự an lạc trong cuộc sống, cần thực tập chánh niệm qua những việc như: thiền chánh niệm, thở chánh niệm, chánh niệm trong mọi hoạt động thường ngày (thức dậy, ăn cơm, bật đèn, đánh răng, mỉm cười…).

Hình 3: Chánh niệm giảm căng thẳng, lo âu

Thực tập chánh niệm dành cho tất cả mọi người, không loại trừ một ai. Thực tập chánh niệm đòi hỏi phải hết lòng khi làm bất cứ việc gì, toàn tâm toàn ý vào cả những việc đơn giản nhất. Khi thực tập chánh niệm, đừng nghĩ về quá khứ, đừng nghĩ đến tương lai, đừng lo ngày mai phải làm gì. Hãy để tâm đến giây phút hiện tại và thực sự thức tỉnh. Thực tập chánh niệm để nhận diện rõ bản thân, sau đó chú ý tới gia đình mình và cuối cùng là nơi làm việc.

Việc thực tập chánh niệm giúp ta có cơ hội nếm được hạnh phúc, tình thương và tự do chân thật, học được cách chăm sóc khổ đau của chính mình và giúp mình bớt khổ.

Thiền chánh niệm

Thực tập thiền chánh niệm để tinh thần thoải mái, buông bỏ phiền não, làm dịu cả tâm trí và cơ thể. Đây là cơ hội để thân tâm được nghỉ ngơi, chữa trị những nỗi đau tự thân và giúp cơ thể hồi phục.

Thiền chánh niệm là ta buông lỏng toàn thân và theo dõi hơi thở, nhận thức về cơ thể và tâm trí, đưa ý thức lên từng bộ phận cần được chữa trị. Dùng năng lượng chánh niệm ôm ấp từng phần, gửi yêu thương và sự biết ơn của ta để làm lắng dịu và an ủi bộ phận đó.

Hình 4: Thiền chánh niệm

Thực tập thiền chánh niệm theo các bước:

  • Chọn một nơi thật yên tĩnh và thoải mái, ngồi trên ghế hoặc trên sàn với đầu, cổ, lưng thẳng, buông lỏng cơ thể, không cứng. Với thiền chánh niệm tư thế nằm, ta buông lỏng hai tay và hai chân thật thoải mái.
  • Buông thư cơ thể, bắt đầu chú ý từ tóc ở trên đầu, rồi tới trán và đi dần xuống đến lòng bàn chân.
  • Tập trung vào hơi thở, nhận biết chiều dài của mỗi nhịp thở và sự hòa hợp với không khí di chuyển vào – ra cơ thể.
  • Khi xuất hiện những suy nghĩ lo lắng, bất an, đừng phớt lờ mà hãy chấp nhận chúng, giữ bình tĩnh và quan sát xem tâm trí đang ở đâu, không phán xét, không so sánh, dùng nhịp thở để kéo tâm trí quay về hiện tại.
Xem thêm:  Danh ca Sĩ Phú: Cuộc đời và sự nghiệp

Chúng ta có thể sử dụng thiền ngữ khi thực tập thiền chánh niệm:

“Thở vào, tôi ý thức toàn thân tôi

Thở ra, tôi buông thư toàn thân tôi

Thở vào, tôi ý thức hai mắt tôi

Thở ra, tôi mỉm cười với hai mắt tôi

Thở vào, tôi ý thức về trái tim tôi

Thở ra, tôi mỉm cười với trái tim tôi.”

Cứ thế dùng năng lượng chánh niệm soi chiếu các bộ phận của cơ thể, ôm ấp và mỉm cười với từng bộ phận để cơ thể phục hồi nhanh hơn. Chỉ cần thực tập thiền chánh niệm từ 10 đến 15 phút mỗi ngày, cơ thể có cơ hội nghỉ ngơi tự chữa lành mà không cần sử dụng thuốc men. Nếu không biết cách chăm sóc, buông thư cơ thể, không để cơ thể có cơ hội nghỉ ngơi nghĩa là ta chưa biết yêu thương cơ thể mình. Khi đã biết cách thiền chánh niệm, ta có thể trở về với tự thân, với cảm thọ và tâm hành. Năng lượng chánh niệm sẽ nhận diện, ôm ấp và thoa dịu niềm đau, giúp ta khỏe khoắn, bảo toàn cơ thể.

Thở chánh niệm

Để sống, chúng ta đều phải thở nhưng lại quên rằng mình đang thở. Có người bị ràng buộc bởi quá khứ, mặc dù thân ở đây nhưng tâm trí lại đang ở nơi khác. Có người đắm chìm vào cảm xúc ở hiện tại hay bị lôi kéo vào viễn cảnh ở tương lai. Khi đó, ta cần phải phục hồi ý thức và tâm trí bằng cách thực tập hơi thở vào – ra. Đây là phương pháp hợp nhất thân – tâm, giúp thân và tâm ta trở về, có mặt ở giây phút hiện tại, tiếp xúc với những điều mầu nhiệm của cuộc sống.

Hình 5: thực tập thở chánh niệm

Thực tập thở chánh niệm

Thực tập thở có chánh niệm để ta biết ta đang sống và cảm nhận sự sống.

“Thở vào, tôi biết tôi thở vào

Thở ra, tôi biết tôi thở ra”.

Hít thở để cảm nhận rõ không khí đang đi vào và đi ra, buông thư tất cả những căng thẳng trên khuôn mặt, mỉm cười và bắt đầu làm quen lại với cơ thể. Khi chú tâm vào từng hơi thở, ta đem tâm trở về đoàn tụ với thân. Từ đó, ta sẽ chấm dứt được những suy nghĩ tiêu cực, không phải đối mặt với những sợ hãi và lo lắng, để ta có cơ hội nghỉ ngơi. Lúc này, ta dễ dàng cảm thọ được những đau nhức tự thân, năng lượng chánh niệm sẽ giúp ta ôm ấp cảm thọ đau nhức ấy. Đừng để tâm ý rời xa hơi thở, phải theo dõi chiều dài của hơi thở từ đầu đến cuối. Hơi thở chánh niệm kéo dài được một phút, ta ngừng suy nghĩ được một phút. Chỉ cần một hơi thở vào và một hơi thở ra cũng đủ giúp ta trở về với phút giây hiện tại, ngưng suy tư để thưởng thức những niềm vui trong cuộc sống.

Để thực tập thở chánh niệm, đừng cố gắng làm cho bằng được, hãy thực tập hơi thở vào – ra một vài phút cho đến khi thực sự chú ý đến hơi thở một cách tự nhiên rồi hơi thở sẽ sâu hơn, chậm hơn, thư thái và êm dịu hơn. Thở một hơi thở chánh niệm, thân tâm hợp nhất thì ta thực sự có mặt, sự sống có mặt, người thương có mặt và những điều khác cũng có mặt.

Xem thêm:  Cà phê Biệt Động - Cơm tấm Đỗ Phủ Quận 1 TPHCM

Ví dụ đơn giản về thở chánh niệm: khi ở cùng con cái, ta đang bận suy tư với những nỗi lo, thực tập hơi thở chánh niệm, chú tâm vào hơi thở vào ra để ta thực sự có mặt, tiếp xúc với con cái, cảm nhận tình thương dành cho con cái. Hoặc khi lái xe, thở chánh niệm để ta có mặt, ta có mặt lái xe mới an toàn.

Chánh niệm trong mọi hoạt động sinh hoạt hằng ngày

Trong cuộc sống, chúng ta thường có thói quen làm nhiều việc cùng một lúc. Như vậy, năng lượng sẽ bị phân tán. Tại sao chúng ta không tập thói quen chỉ làm mỗi lần một việc? Cần phải thực tập và rèn luyện chánh niệm mỗi ngày, trong mỗi việc chúng ta làm thay vì luôn làm nhiều việc một lúc.Thực tập chánh niệm trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày để an trú trong giờ phút hiện tại. Năng lượng của chánh niệm giúp ta nhận diện những gì xảy ra xung quanh ta, đưa ta trở về với tự thân, tức khắc ta cảm thấy tâm mình dịu lại, lắng yên và an hòa.

Cần đứng yên một chỗ để thực tập, không đi qua đi lại, không nói chuyện, không suy nghĩ đến việc khác. Khi bắt đầu mỗi việc, ta nên thực tập những bài thi kệ của thiền sư Thích Nhất Hạnh bằng cách học thuộc lòng, đây cũng là cách thực tập chánh niệm uy nghi.

Hình 6: Chánh niệm trong mọi sinh hoạt hàng ngày

Chánh niệm trong mọi sinh hoạt hàng ngày

Một số bài thi kệ của thiền sư Thích Nhất Hạnh:

THỨC DẬY

Thức dậy mỉm miệng cười

Hăm bốn giờ tinh khôi

Xin nguyện sống trọn vẹn

Mắt thương nhìn cuộc đời

QUƠ DÉP

Đặt chân lên mặt đất

Là thể hiện thần thông

Từng bước chân tỉnh thức

Làm hiển lộ pháp thân

XUỐNG GIƯỜNG

Sáng, trưa, chiều và tối

Mọi loài hãy giữ gìn

Nếu dưới chân lỡ đạp

Xin nguyện chóng siêu sinh

Nam mô Bồ Tát Siêu Lạc Địa

BẬT ĐÈN

Thất niệm là bóng đêm

Chánh niệm là ánh sáng

Đưa tỉnh thức trở về

Cho thế gian tỏ rạng

XẾP MỀN

Xếp mền cho niềm vui

Sống ngăn nắp cuộc đời

Thân và tâm thúc liễm

Phiền não phải rụng rơi

MỞ CỬA SỔ

Mở cửa nhìn pháp thân

Đời mầu nhiệm không cùng

Lòng dặn lòng tỉnh thức

Dòng nước tâm trong ngần

ĐÁNH RĂNG

Đánh răng và súc miệng

Cho sạch nghiệp nói năng

Miệng thơm lời chánh ngữ

Hoa nở tự vườn tâm

Hình 7: bìa sách Bước Tới Thảnh Thơi - Thích Nhất Hạnh

Với mỗi hoạt động sinh hoạt hàng ngày, thực tập chánh niệm với bài thi kệ về hoạt động đó để ta sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc. Ví dụ: lúc ngủ dậy ta thực tập bài thi kệ THỨC DẬY trong suốt thời gian vừa mở mắt đến khi ngồi dậy chuẩn bị bước xuống giường, khi đánh răng ta thực tập bài thi kệ ĐÁNH RĂNG trong suốt thời gian đánh răng.

Lời kết

Năng lượng chánh niệm đem đến cái nhìn tích cực về cuộc sống, thoải mái, an lạc trong từng phút giây, giúp chúng ta nuôi dưỡng tâm an lành, tìm thấy hạnh phúc tự thân, vững chãi và thảnh thơi, tăng hiệu quả trong công việc và giao tiếp tốt hơn.

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của Trần Công Thắng

Thảo luận với Thắng nào!