Mỗi con người đều có khả năng nhận thức cảm tính, trải nghiệm chủ quan cá nhân, được hình thành trong quá trình tư duy. Chủ nghĩa hiện sinh mang đến các quan điểm khác nhau, ở đó giá trị của mỗi con người được đánh giá cao, mỗi cá nhân được tự do sống theo cách của mình.
Mục lục nội dung
Chủ nghĩa hiện sinh hay còn gọi là Thuyết hiện sinh, là một trào lưu triết học của các nhóm triết gia cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Các tư tưởng được xây dựng mang tính chủ quan, khám phá sự tồn tại của mỗi cá nhân với niềm tin chung rằng tư duy triết học xuất phát từ chủ thể cá nhân con người. Mỗi cá nhân muốn tạo ra thế giới riêng của mình cần phải tự tư duy, trải nghiệm và hành động.
Nhà triết học Đan Mạch Søren Kierkegaard được công nhận là cha đẻ của tư tưởng chủ nghĩa hiện sinh. Quan điểm của ông chỉ rõ mỗi con người mỗi cá nhân phải tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình, tự mình mang ý nghĩa đến cho cuộc sống, và sống nó một cách chân thành, say mê.
Chủ nghĩa hiện sinh đề cao trải nghiệm tự do, trải nghiệm chủ quan trong suy nghĩ, hoạt động và cảm giác, tôn trọng sự riêng biệt của mỗi cá nhân. Mỗi con người có một cuộc sống khác nhau, có quyền sống, nhận thức và phát triển theo nhu cầu của riêng họ. Tạo tiền đề phát triển một thế giới đa dạng của nhân loại.
Chủ nghĩa hiện sinh – Existentialism có nguồn gốc từ thuật ngữ “Existence” trong tiếng Anh – Pháp, “Existentia” trong tiếng La tinh, và “Dasein” trong tiếng Đức, nghĩa là hiện hữu hay sự tồn tại, phản ánh cơ bản quan điểm giá trị tồn tại của mỗi cá nhân là sự tồn tại trong tư duy, một tồn tại có ý thức, tồn tại cho chính cá nhân đó.
Chủ nghĩa hiện sinh ra đời vào giai đoạn cuối chiến tranh thế giới thứ nhất ở Đức với hai đại biểu lớn là Martin Heidegger (1889 – 1976) và Karl Jasper (1883 – 1969). Nhưng đến giữa năm 1940, thuật ngữ Chủ nghĩa hiện sinh mới được nhà công giáo triết học người Pháp Gabriel Marcel (1889 – 1978) đặt ra, mặc dù lúc đó ông còn là người theo chủ nghĩa vô thần.
Trong một buổi tọa đàm năm 1945, nhà triết học Jean Paul Sartre (1905 – 1980) đã bác bỏ thuật ngữ này. Nhưng đến ngày 29 tháng 10 năm 1945, ông công khai sử dụng thuật ngữ Chủ nghĩa hiện sinh trong một diễn thuyết cho The Club Maintenant tại Paris.
Năm 1946, cuốn sách mang tên Chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nhân văn (L’existentialisme est un humanisme) được Sartre xuất bản với nội dung ngắn phổ biến tư tưởng chủ nghĩa hiện sinh. Cuốn sách này giúp ông trở thành nhà triết học hiện sinh lỗi lạc dùng thuật ngữ này như mô tả về chính bản thân ông. Cuốn sách là “ điểm xuất phát phổ biến trong các cuộc thảo luận về tư tưởng hiện sinh và đã thu hút trí tưởng tượng của một thế hệ” – theo triết gia Thomas Baldwin.
Mặc dù được ca ngợi nhưng Sartre đã từ chối danh hiệu để ủng hộ thuật ngữ mới “Chủ nghĩa Socrate”, nhằm vinh danh bài luận “On The Concept of Irony with Continual Reference to Socrate” (Tạm dịch: Khái niệm mỉa mai với sự tham chiếu liên tục đến Socrate) của Søren Kierkegaard.
Chủ nghĩa hiện sinh ra đời thể hiện xu hướng phát triển tâm lý thời đại, quan điểm đánh giá con người, phản ánh quyền tự do, tính tự chủ của mỗi cá nhân trong đời sống hiện thực.
Ban đầu, chủ nghĩa hiện sinh được truyền bá rộng rãi như một trào lưu văn học, được thể hiện qua các tác phẩm tiểu thuyết, thi ca, kịch, truyện, nhật ký …hay các bài luận. Lâu dần, chủ nghĩa hiện sinh hiện diện trong mọi ngõ ngách đời sống của giới trẻ, trở thành một phạm trù triết học, một phong trào xã hội, tác động mạnh mẽ lên nhận thức của mỗi con người, nhấn mạnh tính độc đáo, tính sáng tạo, đề cao sự tự chủ, khát vọng vươn lên và tự chịu trách nhiệm về bản thân của mỗi cá nhân.
Phạm trù chính của chủ nghĩa hiện sinh là đề cao tính chủ quan, tính tự do cá nhân, giá trị con người. Chủ nghĩa hiện sinh lấy con người làm trung tâm của mọi vật, tôn trọng sự riêng biệt của mỗi người. Mỗi cá nhân có quyền tự do lựa chọn cuộc đời cho chính mình, tự chọn nghề nghiệp, hướng đi để có một chỗ đứng trong cuộc sống, nhằm “đạt tới chỗ trung thực nhất của cá nhân” (Sartre).
Chủ nghĩa hiện sinh luôn bắt đầu với những câu hỏi liên quan đến bản chất đời sống như: Cuộc sống này có ý nghĩa hay không? Đau khổ là gì? Ta có tự do không?…Những điều này luôn khiến chúng ta rơi vào tình trạng lo âu, sợ hãi, tranh chấp, hư vô, đòi hỏi mỗi cá nhân phải có ý chí tiến thủ, khát vọng vươn lên, và được là chính mình.
Một số nội dung cơ bản của chủ nghĩa hiện sinh:
Nội dung cốt lõi của chủ nghĩa hiện sinh được Sartre tuyên bố “Hiện hữu có trước bản chất”, nhấn mạnh rằng đời sống nhân loại chỉ có thể hiểu được thông qua sự hiện sinh của cá nhân, cá nhân phải có ý thức, hành động độc lập và tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Bản chất thực sự của mỗi cá nhân do chính cuộc sống thực tế của cá nhân đó tạo ra, không theo một chuẩn mực do người khác quy kết. Cá nhân tự tạo giá trị của bản thân và xác định ý nghĩa sống của chính mình thông qua ý thức, tư duy.
Trong bài giảng “Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản”, Sartre đã nói: “ con người trước hết tồn tại, đối diện với chính mình, khẳng định mình trong thế giới, và định nghĩa bản thân mình sau đó”. Điều này ngụ ý rằng: mỗi người có thể lựa chọn hành động theo mong muốn của mình, tự do tự tại, gợi mở suy nghĩ của cá nhân về trách nhiệm đối với bản thân mình và với người khác, đề cao sự tự chủ, tinh thần vượt khó trong cuộc sống nhưng không đề cao tính vị kỷ.
Sự phi lý nghĩa là ngoài ý nghĩa mà chúng ta mang đến thì không còn tồn tại ý nghĩa nào khác trong thế giới. Sự phi lý bao gồm cả sự vô đạo đức và sự bất công của thế giới. Quan niệm về sự phi lý trong chủ nghĩa hiện sinh trái ngược với tuyên bố cho rằng “người tốt sẽ không gặp phải những điều xấu”. Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra đối với bất cứ một cá nhân nào đó tại bất kỳ thời điểm nào khiến con người phải đương đầu trực tiếp với sự phi lý của thế giới.
Trong cuốn “Thần thoại về Sisyphus”, Albert Camus – một nhà văn, triết gia, nhà báo người Pháp đã tuyên bố: “Chỉ có một vấn đề triết học thực sự nghiêm trọng, đó là tự sát”. Albert Camus đã bắt đầu thể hiện nỗi lo sợ về thân phận của con người khi đối mặt với những biến cố, tai ương trong cuộc sống. Ông nhận ra ở thế giới đầy sự phi lý này thì con người phải tự đi tìm ý nghĩa của cuộc đời, và tự đảm nhận trách nhiệm, sống tự do với cuộc đời chính mình. Camus từng viết “Chính ở trong thế giới này mà tôi đáp lại cái phi lý bằng sự nổi loạn của tôi, tự do của tôi và sự say mê của tôi. Chỉ bằng hoạt động của lương tâm, mà tôi biến đổi cái gì đó mời mọc đến cái chết thành quy tắc sống và tôi khước từ sự tự vẫn”.
Kiện tính được Sartre định nghĩa trong “Tồn tại và Hư vô” là cái – tự – mình, là quá trình kiến tạo bản thân. Quá khứ là một phương diện của kiện tính, là tiền đề để cá nhân tự chọn tương lai cho mình. Khi đối diện với kiện tính, tự do là vô giới hạn bởi không có giới hạn nào hạn chế sự tự do của mỗi cá nhân. Tự do theo chủ nghĩa hiện sinh là mỗi người có thể tự thay đổi giá trị của chính bản thân mình, chịu trách nhiệm về những giá trị đó cho dù giá trị của xã hội có thay đổi ra sao.
Một khía cạnh khác của kiện tính là sự giận dữ. Sự giận dữ được tạo ra khi sự tự do bị giới hạn bởi kiện tính, hoặc khi mỗi cá nhân bị người khác can thiệp vào trách nhiệm cuộc sống của mình.
Nhiều nhà triết học hiện sinh luôn coi trọng chủ đề về sự tồn tại tính đích thực. Sự tồn tại đích thực thể hiện qua ý tưởng tạo ra giá trị của chính mình và sống là chính mình. Mỗi con người được quyền tự quyết, tự do lựa chọn, tự mình vươn lên để trở thành một nhân vị độc đáo.
Tha Nhân có thể được dịch là Kẻ Khác, là một khái niệm thuộc về hiện tượng học và quan niệm của nó về tính liên chủ thể. Con người thường có xu hướng chống lại “Tha Nhân” và kinh nghiệm (hay gọi là Cái Nhìn) của Tha Nhân khi sống trong cùng một thế giới để tìm lại chính mình, dù sự tìm kiếm đó không mấy thành công. Bởi trong chủ nghĩa hiện sinh, Cái Nhìn của Tha Nhân là giới hạn của sự tự do. Con người luôn có khát vọng, trách nhiệm với số phận nên sự phản kháng hiện sinh có thể triển khai theo hai hướng văn hóa và vô văn hóa, tích cực và tiêu cực.
Giận dữ, ưu tư, sợ hãi, lo âu được Heidegger xem là thể tính đặc trưng của con người. Các nhà triết học hiện sinh thường xuyên nhắc đến những thuật ngữ này để mô tả cảm giác tiêu cực, khắc họa bức tranh ảm đạm tồn tại trong mỗi cá nhân. Việc đặt con người vào trong trạng thái của giận dữ và sợ hãi để tạo cơ hội cho con người đối diện với chính mình, cảm nhận sự tự do và tự tìm ra giải pháp, hành động khác đi để nâng cao giá trị bản thân.
Trong chủ nghĩa hiện sinh, sự tuyệt vọng nghĩa là mất hi vọng. Lo âu sớm muộn sẽ dẫn con người đến tuyệt vọng, và chỉ trong hoàn cảnh tuyệt vọng, con người mới có thể trực tiếp cảm nhận được lý do tồn tại của mình. Tuyệt vọng mang tính định danh cá nhân, xây dựng nên cảm giác về bản sắc cá nhân. Chủ nghĩa hiện sinh đề cao khẩu hiệu: “Con người hãy tự cứu lấy chính mình”. Như trong Either/Or, Kierkegaard đã viết : “Hãy để mỗi người học những gì anh ta có thể, cả hai chúng ta đều có thể học được rằng sự bất hạnh của một người không bao giờ nằm trong sự thiếu kiểm soát của anh ta đối với các điều kiện bên ngoài, vì điều này chỉ khiến anh ta hoàn toàn bất hạnh”.
Chủ nghĩa hiện sinh lấy trọng tâm chủ thể là con người. Với mục đích làm thay đổi con người và quan niệm sống, tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa hiện sinh đã đi vào tâm tính hiện đại, là điều kiện hình thành cá tính đích thực. Chủ nghĩa hiện sinh nhấn mạnh quyền tự do, tính tự chủ của mỗi cá nhân. Tất cả đều được thể hiện qua các tác phẩm văn học nghệ thuật và cả lĩnh vực hội họa cũng thấp thoáng bóng dáng của chủ nghĩa hiện sinh.
Vào thời kỷ khủng hoảng toàn diện của chủ nghĩa tư bản về vấn nạn lo sợ chiến tranh, không tin vào khoa học, chủ nghĩa hiện sinh là sự phản ứng mạnh mẽ của con người trước tình trạng bất ổn về kinh tế xã hội. Vì thế, chủ nghĩa hiện sinh lan nhanh và ảnh hưởng sâu rộng đối với giới trẻ của thế giới phương Tây. Chủ nghĩa hiện sinh đã trở thành công cụ để truyền tải tư tương thông qua văn chương và các hình thức nghệ thuật trừu tượng.
Những tác phẩm văn học ra đời vào những năm 60 – 70 của thế kỷ XX đã đề cao tự do, đặc biệt là tự do ngôn luận, bảo vệ nhân quyền, tiêu biểu như: Anti – State, Hippy, Anti – Modern, Sexual Liberation.
Các tác phẩm nghệ thuật trừu tượng mang tính cá nhân đã thể hiện tư tưởng chủ nghĩa hiện sinh như một khẳng định thiết yếu, biểu tượng của tự do và tính chân thực. Những cảm xúc phổ biến trong thời hậu chiến xoay quanh chủ đề tổn thương: bất an, lo lắng, trốn tránh, thất vọng…Một số tác phẩm tiêu biểu như: Sisyphus (1920), Walking Man I (1960), The Blue Phantom (1951), L’Hourloupe (1962-1974).
Ở Việt Nam, chủ nghĩa hiện sinh xuất hiện như một cách tự phát, phản ánh rõ rệt qua các trào lưu văn – thơ vào những năm đầu của thế kỷ XX. Các tác phẩm văn học đề cao quyền lợi, thân phận, giá trị của con người trong xã hội thời bấy giờ.
Ở miền Nam Việt Nam dưới thời tạm chiến, chủ nghĩa hiện sinh tồn tại trong đời sống của tầng lớp thanh niên, thể hiện rõ sự lo âu, tinh thần nổi loạn và sự phản kháng, chống lại sự xâm lược của Mỹ.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, giá trị của chủ nghĩa hiện sinh cũng phản ánh sự dấn thân của tuổi trẻ trong công cuộc giải phóng đất nước.
Sau công cuộc đổi mới do Đảng Cộng Sản Việt Nam khởi xướng, với phương châm “cởi trói cho văn học nghệ thuật”, đã mở ra cơ hội cho tư tưởng chủ nghĩa hiện sinh xuất hiện rộng rãi trên các diễn đàn văn học, góp phần tạo nên tiếng nói đa dạng cho nền văn học nước nhà.
Những tác phẩm tiêu biểu được nhắc đến:
Truyện Kiều (Nguyễn Du) : phản ánh đời sống hồng nhan bạc phận của nàng Kiều như một bản cáo trạng lên án, phê phán chế độ phong kiến đương thời. Ở giai đoạn này, thân phận người phụ nữ bị xem nhẹ, coi thường và không có tiếng nói.
- Cung Oán Ngâm Khúc (Nguyễn Gia Thiều)
- Ánh Sáng Nàng (Tạ Duy Anh)
- Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh)
- Cánh đồng bất tận (Nguyễn Thị Ngọc Tư)
Chủ nghĩa hiện sinh giúp con người trăn trở về ý nghĩa của cuộc sống, đề cao vai trò tự chủ của mỗi cá nhân, góp phần soi sáng hiện hữu của con người trong một hoàn cảnh nhất định. Mỗi cá nhân là duy nhất, được quyền tự do lựa chọn, quyền tự quyết định, tự sáng tạo, tự tạo ra chính mình dù ở trong bất kỳ tình huống nào.
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết, cùng Trần Công Thắng khám phá thế giới bao la nhé!