Khách sạn Caravelle được xây năm 1957, khai trương vào dịp Noel năm 1959 và vẫn còn cho đến ngày nay. Ngay từ ban đầu, tầng trệt của khách sạn có văn phòng thương mại của hãng Air France (đến ngày nay vẫn còn sau 1 thời gian gián đoạn sau năm 1975).
Khách sạn Caravelle nằm ở vị trí rất đẹp, trên đường Tự Do nằm sát bên cạnh Opera House, khi đó đang được sử dụng làm trụ sở Quốc Hội
Vị trí xây khách sạn này, trước đó vốn là quán Grand Cafe de la Terrasse, một trong những quán cà phê đầu tiên và nổi tiếng của Sài Gòn từ cuối thế kỷ XIX.
Khách sạn Caravelle được xây dựng với cổ phần của hãng Catinat Foncier, hãng hàng không Air France và Giáo hội Công giáo Việt Nam. Thời điểm xây khách sạn, hãng hàng không của Pháp là Air France vừa mua được một đoàn máy bay phản lực mang tên Caravelle của xưởng sản xuất Sud Aviation, nên đã đề nghị dùng tên “Caravelle” để gọi tòa nhà này.
Khách sạn Caravelle lúc bấy giờ là tòa nhà hiện đại và cao nhất Sài Gòn, giá một đêm là $17, lầu thứ 8 có quán Jerome, có thang máy, máy lạnh, nước nóng, điện thoại. Vì lý do an ninh, cửa kính dùng loại kính chống đạn. Nằm ngay sát bên cạnh những công trình cổ mang phong cách Pháp là Opera House, Continental Palace, xa hơn một chút là Tòa Đô Chánh, Nhà Thờ, nên khách sạn Caravelle xuất hiện cuối thập niên 1950 trở nên nổi bật vì là tòa nhà hiện đại và cao nhất Sài Gòn thời điểm đó, với giá một đêm là $17, lầu thứ 8 có quán Jerome, có thang máy, máy lạnh, nước nóng, điện thoại. Vì lý do an ninh, cửa kính dùng loại kính chống đạn.
Trong những năm thập niên 1960, Caravelle Hotel là nơi đặt trụ sở của Đại sứ quán Úc, Đại sứ quán New Zealand, và văn phòng đại diện của các hãng thông tấn lớn của Mỹ là New York Times, NBC, ABC và CBS. Đó là thời gian mà khách sạn này được xem là trung tâm của báo chí nước ngoài, nơi nhóm họp của các ký giả kỳ cựu quốc tế, vì nó nằm ngay bên cạnh trụ sở Quốc Hội (thời kỳ 1967-1975 là Hạ Nghị Viện), là trung tâm chính trị của chính quyền miền Nam, đồng thời từ trên sân thượng của Caravelle có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát cả thành phố Sài Gòn lúc bấy giờ.
Ngay sau khi đi vào hoạt động, khách sạn Caravelle còn là địa điểm họp mặt của nhóm trí thức và chính khách thời Đệ Nhất Cộng hòa khi họ soạn thỉnh nguyện thư đòi Tổng thống Ngô Đình Diệm cải tổ chính trị để mở rộng nền dân chủ. Bản văn kiện đó được công bố rộng rãi năm 1960, tác động nhiều đến chính trường Miền Nam. Nhóm người đó sau được gọi chung là Nhóm Caravelle.
Công trình kiến trúc nguyên thủy của thập niên 1950 gồm cao ốc chín tầng (10 tầng kể cả sân thượng) và một tòa nhà kế bên năm tầng, chủ yếu là nhà phụ thuộc chứa các thiết bị máy móc cho cao ốc chính.
Tầng trệt cao ốc chính có sảnh chờ của khách sạn và văn phòng thương mại của hãng Air France. Phía dưới là nhà hầm. Tầng hai đến tầng sáu là khách sạn, mỗi tầng 13 căn, tổng cộng là 43 căn. Tầng bảy là đại sứ quán của Úc. Tầng tám và chín là nhà hàng. Trên cùng là sân thượng (tầng 10).
Sau năm 1975, khách sạn Caravelle bị chính quyền quốc hữu hóa và đổi tên thành khách sạn Độc Lập, thuộc Tổng công tu du lịch Thành phố. Đến năm 1992, dưới một hợp đồng liên doanh với Chains International Hotels Management Singapore Pte. Ltd, khách sạn chuyển cho Chains-Caravelle và cái tên “Caravelle” được phục hồi. Ban quản lý mới đề nghị phá tòa nhà cũ, xây lại mới nhưng Giáo hội Công giáo Việt Nam – với tư cách là một cổ đông lớn – phản đối và xin chính quyền hoàn lại cơ sở này cho Giáo hội nếu phá hủy công trình cũ.
Nguồn: chuyenxua.vn