Trong thời đại ngày nay, kỹ năng sống đóng vai trò quan trọng trong môi trường học tập và làm việc. Một trong những kỹ năng cần thiết nhất phải có ở mỗi con người là tư duy phản biện. Đây là kỹ năng giúp bạn khẳng định bản thân và được đánh giá cao khi làm việc tập thể.
Vậy tư duy phản biện là gì? Kỹ năng tư duy phản biện được phát triển như thế nào? Trần Thắng sẽ cùng bạn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mục lục nội dung
Tư duy phản biện là gì?
Tư duy phản biện (Critical Thinking) hay còn được gọi là tư duy phân tích là khả năng đánh giá, nhận định, phân tích một vấn đề theo hướng nhìn khách quan để làm sáng tỏ vấn đề và khẳng định tính chính xác của vấn đề đó.
Nói cách khác, đây là quá trình tư duy biện chứng với những bằng chứng thuyết phục, lập luận logic, rõ ràng, phản bác lại những ý kiến, quan điểm trái chiều để chứng minh quan điểm đúng đắn của bản thân.
Tư duy phản biện đòi hỏi chúng ta phải có khả năng quan sát, xem xét mọi vấn đề, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đưa ra kết luận. Nó bao gồm tư duy tự phản biện và tư duy phản biện ngoại cảnh.
Quá trình tư duy phản biện tạo ra các sản phẩm mang tính ứng dụng thực tiễn cao, các phán đoán đáng tin cậy.
Đặc điểm của tư duy phản biện
Tư duy phản biện không phải là việc bạn tranh cãi hay chỉ trích quan điểm của người khác khi không đồng quan điểm với mình. Tư duy phản biện là việc tạo ra những lập luận đúng đắn và góp ý trên tinh thần mang tính xây dựng, hoàn thiện vấn đề.
Người có khả năng tư duy phản biện tốt là người có những biểu hiện sau:
- Thu thập đủ thông tin, đưa ra lập luận, đánh giá, phân tích vấn đề ở mọi góc nhìn.
- Lý giải được sự tương quan, ý niệm trừu tượng, gắn kết logic giữa các quan điểm.
- Đặt ra những câu hỏi, tìm ra những lỗi không chuẩn xác trong quá trình lập luận và khắc phục chúng..
- Tiếp nhận thông tin ngoại cảnh theo cách nhìn đa chiều, loại bỏ tính trực giác, cảm tính của bản thân..
- Xem xét kỹ lưỡng ý kiến của người khác và của chính mình.
- Suy luận, đưa ra quan điểm, lập luận đúng đắn của cá nhân kèm những dẫn chứng thực tế chứng minh tính chính xác của vấn đề.
- Truyền thông và tạo niềm tin cho người mang ý kiến đối lập một cách hiệu quả.
Vai trò của tư duy phản biện
Tư duy phản biện là một trong những kỹ năng vô cùng quan trọng và khó nhất, là phẩm chất cốt lõi của hoạt động trí tuệ, đóng vai trò to lớn trong đời sống xã hội ngày nay.
- Tư duy phản biện giúp con người có phương pháp tư duy độc lập dựa trên nền tảng tri thức, lập luận logic, nhìn nhận vấn đề dưới góc nhìn mới, kích thích khả năng sáng tạo.
- Tư duy phản biện giúp con người suy nghĩ vấn đề theo nhiều chiều hướng khác nhau, tìm hiểu những thông tin mới, phát hiện những ý tưởng mới đưa ra các phương án tối ưu để giải quyết vấn đề hiệu quả.
- Tư duy phản biện giúp bạn tăng khả năng đọc, hiểu, xử lý vấn đề.
- Tư duy phản biện giúp bạn cởi mở hơn khi tiếp thu ý kiến mọi người xung quanh, tôn trọng người khác khi tranh luận, tìm hiểu rõ nguồn gốc và bản chất của vấn đề trước khi đưa ra quyết định.
- Tư duy phản biện giúp bạn có phương pháp tư duy độc lập, nhìn ra được những điểm sai, những hạn chế trong lập luận của mình, tạo động lực cho bạn trau dồi thêm kiến thức, tự tin hơn khi trình bày quan điểm cá nhân.
- Tư duy phản biện giúp thoát khỏi những rào cản định kiến, vượt ra khỏi những thói quen, khuôn mẫu được định sẵn trước đó để phát triển ý tưởng mới.
- Tư duy phản biện là nền tảng phát triển kinh tế -xã hội, khoa học – giáo dục, ứng dụng thông qua những kỹ năng xử lý thông tin, mở rộng tri thức, khả năng giao tiếp, diễn đạt, thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người.
Các loại tư duy phản biện
Có hai loại tư duy phản biện: Tư duy tự phản biện và tư duy phản biện ngoại cảnh.
Tư duy tự phản biện
Là khả năng bạn tự nhận định, phân tích và dùng cái nhìn khách quan phản bác lại những ý kiến, quan điểm của chính mình.
Thông thường, bạn đưa ra ý kiến chủ quan về một vấn đề. Ý kiến này có thể được đánh giá đúng, sai hoặc chỉ phù hợp ở một mức độ, một khía cạnh nhất định. Khi đó, bạn cần phải có sự tranh luận nội tâm về ý kiến này. Bạn sẽ phải tự mình đánh giá, thu thập thông tin, tìm ra được quan điểm đúng đắn, phù hợp. Từ đó tự hoàn thiện và đưa ra luận điểm phản biện hoàn chỉnh nhất.
Tư duy phản biện ngoại cảnh
Là khả năng tư duy giải quyết vấn đề thông qua việc thu thập và tiếp nhận thông tin từ nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau để đánh giá, phân tích sự vật, sự việc. Tư duy phản biện ngoại cảnh thường trải qua 3 bước: nhận thức, đánh giá, phản biện lại vấn đề.
Trong một tập thể, mỗi cá nhân đều có những suy nghĩ, lập luận, triển khai vấn đề khác nhau. Từ đó, tổng hợp các quan điểm, nhận dạng các ý kiến liên quan đến vấn đề được đưa ra.
Mỗi người sẽ cùng nhau phân tích, nhìn nhận sự việc dưới nhiều góc cạnh khác nhau, tìm ra ưu và khuyết điểm của vấn đề. Sau đó sẽ đưa ra những đánh giá khách quan nhất. Dựa vào những đánh giá đó, các chủ thể sẽ phản bác lại những thông tin chưa chính xác và đưa ra lập luận rõ ràng, kết luận chính xác quá trình phát triển, hoàn thiện vấn đề.
6 cấp độ tư duy phản biện
Hiện nay, tư duy phản biện được chia thành 6 cấp độ từ thấp đến cao:
- Bậc 1: Trình bày nội dung, làm sáng tỏ vấn đề với một thông điệp cụ thể. Đây là khả năng sắp xếp logic những thông tin được thu thập, tổng hợp và trình bày một cách mạch lạc, dễ hiểu.
- Bậc 2: Nói có cấu trúc. Nghĩa là người trình bày đưa ra những quan điểm và bảo vệ quan điểm đó thông qua cấu trúc của vấn đề, giúp cho người nghe dễ dàng nắm bắt và hiểu được vấn đề.
- Bậc 3: Tranh luận cơ bản. Đây là cấp độ cần phải có 2 kỹ năng nhận diện: tranh luận và ngụy biện. Thường trong các cuộc họp công ty, những buổi thảo luận nhóm, hành động này đến từ hai hay nhiều phía qua các lý lẽ, lập luận và bằng chứng dùng để phản bác lại ý kiến của đối phương. Từ đó bảo vệ quan điểm cá nhân và tiếp thu ý kiến của người khác khi bàn luận về vấn đề. Ngày nay, lỗi phổ biến nhất trong tranh luận cơ bản là hầu như các cá nhân lập luận dựa trên cảm giác, không có bằng chứng khách quan. thuyết phục đi kèm.
- Bậc 4: Tranh luận hiệu quả. Ở cấp bậc này, bạn dễ dàng nhận diện được các tiêu chuẩn, biết lắng nghe, đánh giá khách quan các thông tin được thu thập, phản biện có logic và hợp lý, ý thức xây dựng hoàn thiện vấn đề.
- Bậc 5: Thực hành tư duy phản biện. Để nâng cao khả năng nhận định, đánh giá một sự vật sự việc, bạn cần trau dồi và rèn luyện thường xuyên kỹ năng tư duy phản biện trong công việc lẫn đời sống.
- Bậc 6: Tư duy phản biện hiệu quả. Để trở thành một con người chính trực, khiêm tốn, công bằng, phán đoán mọi việc theo lý tính, bạn cần phải biết phản biện lại chính mình trong nhiều bối cảnh và lĩnh vực khác nhau. Đây là cấp độ cao nhất của tư duy phản biện.
Kỹ năng cần thiết để phát triển tư duy phản biện
Kỹ năng quan sát
Xác định mục tiêu, đối tượng, dự đoán được nguy cơ có thể xảy ra, định hướng đúng đắn về vấn đề bạn cần giải quyết. Xử lý thông tin, đánh giá lại những thông tin bạn vừa xử lý. Dựa vào kiến thức vốn có và lòng tin cá nhân để nhìn nhận, suy luận và đưa ra những lập luận logic.
Kỹ năng phân tích vấn đề
Phân tích và đánh giá sự việc theo cái nhìn khách quan dựa vào việc xâu chuỗi những dữ kiện, thông tin quan trọng, tiếp thu những ý kiến và quan điểm khác nhau, đặt câu hỏi để xác định tính chính xác toàn diện của vấn đề.
Kỹ năng suy luận
Xem xét lại tất cả những thông tin bạn có được trước khi đưa ra kết luận. Cần đưa ra được câu trả lời phản biện lại những lập luận, quan điểm trái chiều với lối lập luận chặt chẽ, logic.
Kỹ năng giao tiếp
Đây là kỹ năng mềm đóng vai trò quan trọng khi cần giải thích hoặc thảo luận về một vấn đề với người đối diện. Nâng cao khả năng giao tiếp của bạn bằng cách thường xuyên lắng nghe quan điểm của người khác, nêu lên quan điểm cá nhân, giải thích sự việc một cách bình tĩnh, có bằng chứng thuyết phục cụ thể.
Giải quyết vấn đề
Cuối cùng, bạn cần phải có kỹ năng giải quyết vấn đề. Giải quyết vấn đề sau khi bạn đã xác định được mục tiêu, phân tích và tìm ra được các hướng khắc phục. Dựa vào tư duy phản biện, lựa chọn ra phương án hợp lý, phù hợp nhất.
Các phương pháp rèn luyện tư duy phản biện hiệu quả
Mở rộng quá trình học hỏi, tích cực trau dồi kiến thức tổng quát
Mỗi người nên có một nền tảng kiến thức phong phú để tư duy phản biện hiệu quả. Tập thói quen quan sát và học hỏi ở mọi lĩnh vực để có thể phân định luồng thông tin theo hướng khách quan, đưa ra những lập luận logic, phê bình ở góc nhìn đa chiều và có dẫn chứng thuyết phục người nghe.
Sử dụng sơ đồ tư duy (mindmap) trong tư duy phản biện
Để hiểu và nắm rõ hơn một vấn đề, bạn nên vẽ sơ đồ tư duy sau khi tổng hợp đầy đủ những thông tin cần thiết. Đặt ra những câu hỏi Ai? Cái gì? Ở đâu? Khi nào? để trả lời chính xác về thông tin của vấn đề. Từ đó rút ra kết luận và nguyên nhân cho vấn đề đang tìm hiểu.
Đánh giá vấn đề theo hướng khách quan
Bỏ qua những định kiến cá nhân, suy nghĩ chủ quan, hãy nhìn nhận, đánh giá vấn đề công bằng và khách quan bằng cách cởi mở tiếp thu ý kiến, quan điểm của người khác, tạo thói quen đánh giá các dữ kiện, bằng chứng dựa trên những luận điểm chính xác, rõ ràng.
Nâng cao khả năng sáng tạo
Nắm vững thông tin đa dạng đối với tất cả các lĩnh vực ngành nghề, nâng cao khả năng sáng tạo để dễ dàng tranh luận và bảo vệ luận điểm với người khác.
Đưa ra nhiều câu hỏi giả định
Ở một vấn đề, bạn sẽ nhìn thấy những ưu và khuyết điểm khác nhau. Hãy nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ, đặt ra những nghi vấn, thắc mắc để phòng tránh những trường hợp không may xảy ra. Từ đó đưa ra những lập luận đầy đủ, khoa học, hiểu rõ hơn bản chất của vấn đề.
Tự tin bày tỏ quan điểm cá nhân
Nắm vững kiến thức, trình bày quan điểm của mình một cách tự tin, đầy đủ, rõ ràng để thuyết phục người nghe và sẵn sàng trả lời cho những câu hỏi phản biện trái chiều.
Kết luận vấn đề và bảo vệ quan điểm của bản thân
Trong quá trình tư duy phản biện, sẽ có nhiều ý kiến bất đồng với quan điểm của bạn. Hãy bình tĩnh và phân tích vấn đề lại một lần nữa theo hướng tích cực, xem xét lại sự việc qua những thông tin đúng sai đã nhận định trước đó và đưa ra kết luận, bảo vệ quan điểm cá nhân dựa trên những bằng chứng thuyết phục nhất.
Lời kết
Tư duy phản biện không tự nhiên sinh ra, đây là kỹ năng phát triển, hoàn thiện bản thân khi chúng ta luôn trau dồi kiến thức, ham học hỏi. Tự rèn luyện tư duy phản biện, bỏ qua lối mòn của tư duy cảm tính để tăng khả năng phân tích và nhận định khách quan, xử lý các vấn đề và công việc hiệu quả.